Cỗ cưới xưa và nay
Cỗ cưới xưa và nay đã khác nhau rất nhiều, thể hiện chất lượng cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ.
“Cỗ cả con”
Ông Nguyễn Hữu Tính, năm nay 76 tuổi ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) hồi tưởng lại đám cưới của mình được tổ chức cách đây 40 - 50 năm. Ngày đó cuộc sống còn nhiều khó khăn nên việc cưới xin diễn ra chóng vánh, chỉ gói gọn trong gia đình, không mời bạn bè, hàng xóm láng giềng. Để chuẩn bị cỗ cho đám cưới, gia đình đó phải nuôi lợn từ năm trước. Nhà khá giả thì nuôi 2 con. Khi cưới, ngả con lợn đó ra chế biến thành cỗ. Cỗ cưới ở làng Tòng Hóa thường có món lòng lợn, thịt lợn luộc hoặc quay, đĩa su hào xào, xương nấu chuối và đĩa xôi. Gia đình khá giả thì có thêm đĩa thịt gà. Cỗ chỉ có 1 bữa chính, không làm nhiều bữa như hiện nay.
Cỗ cưới ngày xưa chủ yếu do người thân, anh em trong gia đình hỗ trợ nhau, thường chỉ làm từ 5 - 7 mâm, gia đình khá giả làm chục mâm, hiếm có nhà làm to hơn vì điều kiện kinh tế không cho phép. Để nấu và bày cỗ, nhiều gia đình phải đi mượn nồi nấu, bát đũa, bàn ghế, chõng tre, chiếu về trải ra để ngồi ăn cỗ.
Cỗ cưới làng Tòng Hóa cũng mang đặc trưng ở nhiều làng quê Bắc Bộ xưa kia. Dù có biến tấu, tùy thuộc phong tục, tập quán của mỗi làng quê cũng không khác nhiều.
Ở làng Hoạch Trạch, xã Thái Học (Bình Giang) gọi cỗ cưới xưa là “cỗ giấm ghém” hay “cỗ cả con”, nghĩa là bày biện 1 mâm cỗ cưới chỉ gói gọn trong phần thịt từ 1 con lợn gồm: 2 bát thịt mỡ luộc, xương luộc, lòng già, lòng non, thịt sỏ, thịt nạc... Trong bữa cỗ bắt buộc phải có 1 bát canh xáo chua để ăn với rau sống. Ông Nhữ Đình Hoạch, một người cao tuổi trong làng cho biết khi làm cỗ ai cũng háo hức, hương vị những món ăn đó rất thơm, ngon bởi lẽ lợn được nuôi hoàn toàn bằng đồ ăn tự nhiên. Cuộc sống ngày xưa khó khăn, đói kém, thường xuyên không được ăn no đủ nên một bữa cỗ cưới thật sự rất quý, không ai để bỏ thừa, lãng phí đồ ăn...
Phong phú, đa dạng
Chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao thì cỗ cưới cũng có những biến tấu phù hợp. Cỗ cưới ngày nay, tùy điều kiện của từng gia đình mà thực đơn cũng khác nhau, đủ các món của ngon, vật lạ. Anh Đặng Bá Minh, một người chuyên nấu cỗ cưới ở xã Thống Kênh (Gia Lộc) cho biết mỗi gia đình đều có nhu cầu khác nhau và thường có từ 10-12 món, như: khai vị bằng món súp hải sản hoặc súp gà, thịt gà, tôm, mực, bò hoặc bê, ba ba nấu, canh các loại, hoa quả tráng miệng... Nếu trước đây, cỗ được bày gọn gàng, tươm tất sau đó người ăn mới ngồi vào mâm thì hiện nay để nóng sốt, khách ăn đến đâu mới mang món lên đến đó. “Thị hiếu của khách hàng hiện nay rất đa dạng, muốn gì có nấy, chỉ cần họ yêu cầu là chúng tôi phục vụ đến nơi đến chốn. Khách hàng không phải lo bất kỳ thứ gì, từ bát đĩa, phông bạt, đến dọn dẹp… đều có dịch vụ cung cấp”, anh Minh cho biết.
Nhiều nhà hàng, khách sạn lớn trên địa bàn TP Hải Dương hiện đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng về dịch vụ cỗ cưới. Chị Nguyễn Ngọc Nhẫn, quản lý nhà hàng Phan Anh cho biết: “Cỗ cưới rất đa dạng phong phú, dao động khoảng 4 triệu đồng/mâm cho 10 người. Cách chế biến cũng có nhiều thay đổi, cũng là những nguyên liệu thịt, cá... nhưng có thể cho thêm phô mai, nước sốt thành các món khác biệt, đáp ứng mọi nhu cầu ẩm thực của khách hàng".
Bên cạnh món mới, một số nơi vẫn giữ được một phần cỗ cưới truyền thống xưa. Ông Nguyễn Hữu Tính cho biết thêm khi có đám cưới, nhiều gia đình vẫn "ngả" lợn và sẽ lấy 2 miếng bụng lợn làm giò cuốn. Giò này được dùng trong bữa cỗ chính, những phần thịt còn lại được dùng vào bữa dựng rạp. “Đây là nét đặc trưng của làng Tòng Hóa chúng tôi để giữ gìn một phần truyền thống của cha ông ngày xưa”, ông Tính nói.
Cho dù cỗ cưới xưa và nay đã có nhiều sự khác biệt, song đây là ngày vui nên ai cũng mong tổ chức được chu toàn, trọn vẹn nhất trong điều kiện của gia đình, tạo tiền đề cho cuộc sống của cặp vợ chồng mới cưới được no ấm, đủ đầy.