“Nước mắt” đàn ông
Nhắc đến bạo lực gia đình, ít ai nghĩ rằng đàn ông cũng có thể bị bạo hành, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống và công việc.
Bạo hành tinh thần
“Hôm thì cô ấy chì chiết tôi là người vô dụng, tin bạn hơn vợ, lấy tiền tiết kiệm gần 200 triệu đồng của hai vợ chồng cho bạn vay không bàn bạc và bạn không trả được. Biết sai, tôi chấp nhận bị vợ mắng nhưng gần 1 tháng nay, ngày nào đi làm về tôi cũng thấy vợ mặt nặng, mày nhẹ. Bữa cơm nặng nề không ai nói với ai câu nào. Tôi buồn chán nên đi làm xong không muốn về nhà”. Câu chuyện của anh N.V. T. quê ở xã Thái Hòa (Bình Giang) chia sẻ tại diễn đàn bình đẳng giới diễn ra cuối tháng 10 vừa qua tại huyện này cho thấy nạn nhân của những vụ bạo hành gia đình không chỉ là phụ nữ. Không ít đàn ông cũng là nạn nhân và chủ yếu họ bị bạo hành về tinh thần.
Tiến sĩ Đinh Đoàn, chuyên gia tư vấn tâm lý chương trình "Cửa sổ tình yêu" Đài Tiếng nói Việt Nam từng chia sẻ rằng đã nhận được không ít các cuộc gọi của nam giới, trong đó có cả cuộc gọi đến từ Hải Dương kể về hành vi hành hạ tinh thần của các bà vợ với chồng. Ngoài sỉ nhục, đay nghiến chồng, nhiều người vợ chọn cách lạnh nhạt trong quan hệ vợ chồng mà không biết đó cũng là hành vi bạo lực gia đình. Tình trạng bạo lực tinh thần với đàn ông trong gia đình diễn ra liên tục như vậy dễ khiến hôn nhân tan vỡ.
Cũng theo tiến sĩ tâm lý Đinh Đoàn, trong khi các bà vợ có các câu lạc bộ phòng chống bạo lực, địa chỉ tin cậy để nương náu khi bị chồng bạo hành, thậm chí có đường dây nóng để tố cáo hành vi bạo lực thì các ông chồng có rất ít nơi để chia sẻ. Vì vậy nhiều khi họ chấp nhận im lặng, chịu đựng. Nhiều người chồng chán nản tìm đến rượu. Trong cơn say không kiểm soát được lại có hành vi bạo hành với phụ nữ. Như vậy từ nạn nhân nhiều đàn ông đã trở thành “tội đồ” gây bạo lực gia đình.
Những thống kê về bạo lực gia đình tại Hải Dương những năm gần đây đều chỉ ra rằng nữ giới bị bạo hành nhiều hơn nhưng không có nghĩa nam giới không bị bạo hành. Họ có thể bị bạo lực ở gia đình và ngoài xã hội. Anh N.V.G. ở xã Liên Hồng (TP Hải Dương) thừa nhận đã từng bị nữ đồng nghiệp đánh “chỉ vì tôi lỡ lời nói cô ấy không làm phụ vữa được thì về ăn bám. Vậy mà cô ấy lấy cán xẻng đập vào đầu tôi chảy máu”.
Tháng 5 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã ký quyết định xử phạt bà N.T.Y. 15 triệu đồng do đánh chồng bị thương tại vỉa hè khu dân cư Ngà, thị trấn Gia Lộc.
Tại diễn đàn về bình đẳng giới trong khuôn khổ lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 của Hải Dương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phạm Thị Phương nhận định một người đàn ông cảm thấy mình bị tổn hại về thể chất, tinh thần do những hành vi, thái độ và lời nói mà người khác gây ra thì được gọi là nạn nhân của bạo lực. Nam giới cũng có thể bị bạo lực ở các dạng như quấy rối tình dục hoặc qua tin nhắn điện thoại, email, Facebook hay bị lăng mạ, đánh đập... Tuy nhiên, khi đàn ông bị bạo lực phần lớn họ ngại lên tiếng và âm thầm tìm cách đối phó, xấu nhất là tìm đến con đường ly hôn.
Bình đẳng giới thực chất
Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau. Cả 2 giới đều được hưởng đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Vì vậy thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ cho nữ giới mà cho cả nam giới.
Theo Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương) Vũ Hồng Quân, thúc đẩy bình đẳng giới không phải là san bằng giới tính mà nhằm phát huy được thế mạnh của mỗi giới, góp phần xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Phụ nữ cũng cần phải quan tâm đến đàn ông, tránh những hành vi bạo lực tác động không tốt đến cuộc sống của nam giới, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Thực hiện Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Hải Dương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình. Tỉnh cũng có nhiều nỗ lực để đạt những chỉ tiêu trong lĩnh vực bình đẳng giới. Công tác phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được quan tâm tại gia đình, cộng đồng, trường học, nơi làm việc. Nhận thức của cán bộ, người dân về bình đẳng giới, về vị trí, vai trò của phụ nữ được nâng lên. Tuy nhiên, việc chăm lo bình đẳng giới cho đàn ông ít được nhắc tới. Tỉnh cũng nên quan tâm hơn nữa, tạo cơ hội để bảo vệ nam giới trước bạo lực gia đình và chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, hôn nhân.
Khi bình đẳng giới được thực hiện nghiêm túc thì bạo lực ở cả hai giới có thể sẽ dần được xóa bỏ.