Kéo phanh tay sau khi đi mưa có làm phanh bị gỉ sét?
Sau khi rửa xe hoặc đi mưa, nếu tài xế kéo ngay phanh tay và đỗ xe trong thời gian dài, phanh có nguy cơ bị bó do gỉ sét.
Nhiều tài xế gặp phải hiện tượng cụm phanh phía sau đã bó cứng do trước đó xe đi giữa trời mưa và phải lội nước. Hiện tượng bó phanh vì kéo phanh tay trong thời gian dài xảy ra với cả phanh đĩa và phanh đùm. Nguyên nhân là khi lọt nước kèm cát, bụi bẩn, các chi tiết bằng kim loại ở hệ thống phanh bị gỉ sét, má phanh do đó có thể không nhả khỏi đĩa.
Các tài xế nhiều kinh nghiệm trong trường hợp này sẽ xử lý bằng cách dùng búa bọc lớp vải và gõ nhẹ vào la-zăng, đĩa phanh vài lần. Rung động có thể giúp gỉ sét rơi bớt, tách đĩa và má. Sau đó lên xe, cài số tiến đạp ga, chuyển số lùi đạp ga tiếp, làm một vài lần sẽ giúp má phanh hết bó. Nếu đã thực hiện những bước này mà không xử lý được thì tài xế cần gọi thợ kỹ thuật.
Để giảm nguy cơ này, bạn có thể thực hiện một số biện pháp bảo quản hệ thống phanh:
Làm khô phanh sau khi đi mưa: Sau khi rửa xe, đi trời mưa hay lội nước, hãy thực hiện rà nhẹ phanh trên một quãng đường dài. Má phanh nóng lên kết hợp với gió sẽ nhanh chóng làm khô cụm phanh.
Không nhất thiết kéo phanh tay: Nếu đỗ xe thời gian dài, số P là đủ để giữ cho xe đứng im. Đối với xe số sàn có thể đỗ xe ở số 1. Cẩn thận hơn, dùng gạch, mẩu gỗ chặn bánh lại để xe không di chuyển.
Bảo dưỡng định kỳ: Thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho hệ thống phanh, bao gồm việc kiểm tra và làm sạch đĩa phanh, bơm phanh và các bộ phận khác. Điều này giúp giữ cho hệ thống phanh hoạt động hiệu quả và giảm nguy cơ gỉ sét.
Sử dụng phanh tay đúng cách: Tránh việc kéo phanh tay quá mức cần thiết. Đảm bảo rằng phanh tay chỉ được sử dụng khi cần và không giữ phanh tay khi xe đang di chuyển.