Xã hội

Nhiều thanh niên công nhân sống khép kín

MINH NGUYÊN 14/12/2023 15:00

Nhiều dãy nhà trọ ở Hải Dương dù là chạng vạng tối hay ban ngày cũng đều đóng cửa im lìm. Dường như sự giao tiếp giữa công nhân ở đây cũng trở nên hiếm hoi ngay cả khi họ không phải đi làm.

z4961341553883_772ef86b29a3f8f90672e3020977485f(1).jpg
Anh Đoàn Văn Bản, 35 tuổi, sống khép mình trong căn nhà trọ

Ít giao tiếp

Đến một số dãy trọ ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng), chúng tôi thấy khung cảnh vắng lặng dù công nhân ở trong phòng. Họ không có nhu cầu giao tiếp với người khác, nếu không ngủ sẽ nằm ôm điện thoại để lướt Facebook, nhắn tin nói chuyện với bạn bè. Họ đi làm rồi về phòng trọ, tình trạng này lặp đi lặp lại qua ngày. Có những người nhiều tuổi nhưng chưa từng có “một mảnh tình vắt vai”, thậm chí còn khó lấy vợ.

Anh Đoàn Văn Bản năm nay đã 35 tuổi, quê ở Ninh Giang, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam. Anh Bản cho biết đến tầm tuổi này không còn nghĩ nhiều tới chuyện vợ con. “Chúng tôi đang trong tình trạng không nhà cửa, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao. Vẫn biết cuộc sống như vậy là tẻ nhạt nhưng không biết thay đổi thế nào”, anh Bản nói.

Tại một căn phòng khác, khi chúng tôi gõ cửa, chị Lê Thị Huệ quê ở Thanh Hóa ra mở. Căn phòng nhỏ tối om, chị Huệ chia sẻ ở đây không có người quen biết. Mọi người trong xóm trọ làm ở những công ty khác nhau. Chị làm tại một doanh nghiệp của người Trung Quốc, chủ sử dụng lao động ít tổ chức các hoạt động vui chơi, thể thao. Tan làm, chị Huệ về sinh hoạt tại phòng trọ chỉ rộng chừng 15 m² với 4 bức tường kín. Hầu hết mọi người đi làm về đều đóng cửa không ai nói chuyện với ai, vì sợ gặp kẻ xấu. Một số người bạn của chị do không cẩn thận bị kẻ gian vào phòng trọ chuốc thuốc mê rồi lấy hết tiền bạc. Nghĩ về chuyện chồng con, chị Huệ cho biết năm nay 23 tuổi, không biết đến khi nào tìm được bến đỗ bình yên có nhà cửa, thu nhập ổn định. “Làm công nhân như chúng tôi không dám nghĩ đến việc cải thiện đời sống tinh thần. Trước đây công việc nhiều, tăng ca còn có tiền gửi về biếu bố mẹ nhưng nay ít việc, lương thấp, chi tiêu tiết kiệm hết mức, sao có tiền đi vui chơi, giải trí”, chị Huệ nói.

z4961740977604_21de106494756c89f01bceb93b3cc137.jpg
Những dãy nhà trọ dù công nhân đi làm hay ở nhà cũng đóng cửa im ắng

Để có thu nhập đều đặn, công nhân tận dụng mọi thời gian đi làm và mong được tăng ca càng nhiều thì càng có thêm tiền.

Phải tự thay đổi thói quen

Chị Trịnh Thị Dung, chủ một dãy nhà trọ ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) cho biết nhiều công nhân chia sẻ rằng họ không có thời gian để hẹn hò dù đã nhiều tuổi. Giờ đây ai cũng có điện thoại thông minh, họ dành thời gian xem điện thoại nhiều hơn, ít chăm chút và quan tâm đến cảm xúc của mình. Nhiều thanh niên sống như vậy cho đến khi ngoảnh lại đã ngoài 30 tuổi, quá lứa lỡ thì, khó kết hôn, trong khi thu nhập công nhân trình độ phổ thông khó mua được nhà. Cuộc sống như vậy đã trở thành thói quen của nhiều thanh niên công nhân.

Ở Hải Dương chưa có những khu vui chơi, giải trí, thể thao dành cho công nhân. Chỉ những doanh nghiệp nào có phong trào văn hóa, thể thao phát triển thì ở đó công nhân mới được chăm lo toàn diện. Còn tại các xóm trọ chỉ là nơi họ về nghỉ ngơi, không có điều kiện giao lưu, đời sống tinh thần nghèo nàn.

398230278_793584135871488_8616182178178581719_n.jpg
Công nhân nói chung và thanh niên công nhân nói riêng rất cần các hoạt động "làm giàu" đời sống tinh thần. Trong ảnh: Hội thao công nhân, lao động tại Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam được tổ chức mỗi năm một lần

Trước đây, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và Lao động trẻ (Tỉnh đoàn) đã thành lập 5 mô hình gồm 1 mô hình “Sân chơi cuối tuần” cho công nhân lao động ở Công ty TNHH Công nghệ Brother Việt Nam và 4 mô hình “Văn phòng hỗ trợ thanh niên công nhân” tại khu nhà trọ ở các phường Tứ Minh, Bình Hàn (TP Hải Dương) và xã Lai Vu (Kim Thành). Thế nhưng, có nơi không còn hoạt động, có nơi hoạt động èo uột, không thu hút được công nhân tham gia. Mạng xã hội gần như là kênh giải trí duy nhất của công nhân nhưng đây cũng là nơi thường xuyên xảy ra những mối quan hệ ảo, thậm chí lừa đảo cả tình và tiền.

Vì thế, trước khi tỉnh Hải Dương xây dựng thiết chế công đoàn, khu vui chơi, giải trí nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động thì chính họ phải tự trang bị kỹ năng sống cần thiết để tránh rủi ro. Họ cần giảm bớt những chữ "không" trong cuộc sống của mình bằng cách chan hòa, cởi mở hơn, tăng cường giao lưu với đồng nghiệp, tự thay đổi thói quen "khép mình". Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn cơ sở, doanh nghiệp cần quan tâm, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động để mỗi nhà máy, xí nghiệp trở thành “mái ấm” thứ hai của công nhân.

MINH NGUYÊN