Bếp lửa ấm mùa đông
Tôi trở về trong một chiều mùa đông. Bước chân tới nhà đã thấy gian bếp khói tỏa lên nghi ngút, những lọn khói cố len qua mái ngói rồi chầm chậm quyện cùng cơn mưa nặng hạt.
Tiếng mẹ giục giã tôi chạy nhanh vào bếp để còn hong ấm chân tay. Tôi mỉm cười trước sự lo lắng của mẹ và lòng bỗng thấy lâng lâng hạnh phúc. Bao nhiêu năm trôi qua, trong mắt mẹ, tôi vẫn là đứa con bé bỏng cần được yêu thương, bao bọc và chở che. Bếp mẹ đã đỏ lửa từ lúc nào rồi, từng ngọn lửa bập bùng kêu tí tách. Cả một không gian ấm áp bao trùm, hai mẹ con thủ thỉ ngồi kể chuyện.
Căn bếp là nơi tôi nhớ nhất mỗi khi mùa đông ghé thăm. Trước đây, khi gia đình tôi còn đói khổ, bếp chỉ là một chái bếp nhỏ “nhà tranh vách nứa”. Nơi ấy quanh năm bồ hóng bám đen kịt bốn bề, gió thông thốc thổi, mưa dầm dề nhỏ giọt và nắng thì xuyên thấu.
Tôi nhớ mỗi mùa đông về, tôi hay tới quẩn quanh bên bếp lửa hồng. Sáng mùa đông lạnh lẽo, việc đầu tiên khi tôi thức dậy là chạy ù xuống gian bếp - nơi mẹ luôn dậy sớm tinh mơ nhen lửa, hơ nóng cơ thể rồi mới ra thềm giếng rửa mặt. Tôi cứ ước khoảnh khắc ngồi bên bếp lửa là mãi mãi vì tôi không muốn rời xa ánh lửa hồng.
Và có nhiều lúc tôi thật ngây ngô khi ghen tị với mẹ bởi mẹ là người được ra vào căn bếp nhiều nhất, đâu biết rằng mẹ luôn phải tất bật sớm hôm lo cơm nước cho chồng con. Tôi rất nhớ những bữa sáng cả nhà quây quần bên bếp lửa nhỏ, bên cạnh là nồi khoai, nồi sắn bở tơi hoặc là bát cơm nguội rang nóng sốt với tóp mỡ.
Mặc kệ ngoài trời gió cứ thổi, ở trong bếp, cả gia đình quây quần cùng ăn và trò chuyện. Cha tôi vẫn thường đi kiếm củi chất đầy gian bếp để phòng trời lạnh, trời mưa thì cả nhà vẫn còn củi nấu ăn. Cha kể chuyện ngày xưa, cha theo nội đi vào rừng đốn từng khúc củi mang ra chợ bán đong gạo. Mùa đông khiến cho đôi chân của cha thâm tím, khô và nẻ toác như ruộng tháng mười. Có những lần lạnh quá, cha và mọi người phải dùng củi khô nhóm lửa đốt ở bìa rừng để sưởi ấm. Hong được chút ấm lại tiếp tục đi kiếm củi, làm việc không ngưng nghỉ. Gian bếp nhà nội chẳng bao giờ thiếu lửa bởi củi cha mang về chất đống. Kết thúc câu chuyện, bao giờ cha cũng cười bảo: hồi đó khổ cực nhưng lại thấy vui biết nhường nào.
Thấm thoắt vậy mà thời gian trôi quá nhanh. Gian bếp ngày xưa được cha tôi cơi nới thành một nơi sạch sẽ và tươm tất, nhưng cha vẫn không quên chừa lại một khoảng nhỏ để mẹ đun bếp củi. Một phần do thói quen, một phần vì cha mẹ vẫn thích hơi ấm của bếp củi. Nhờ vậy mà mỗi khi trở về, tôi vẫn còn thấy lửa ấm đượm nồng, khói cay xè mắt nhưng hết sức thân thương.
Lòng bình yên biết nhường nào mỗi khi nghĩ về bếp lửa mùa đông ấm nồng hơi ấm của mẹ, của cha, của tình thân gia đình.