Thơ Tú Mỡ tặng Thạch Lam
Những năm 30-40 của thế kỷ trước, ở nước ta có nhóm văn chương Tự lực văn đoàn.
Trụ cột của nhóm này, có ba anh em ruột là nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Ngoài ra, trong nhóm còn Thế Lữ, Khái Hưng, Xuân Diệu và Tú Mỡ.
Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh năm 1900. Năm 1918, ông đỗ bằng đíp-lôm, vì nặng gánh gia đình không học tiếp mà bỏ đi làm thư ký Sở Tài chính Hà Nội. Năm 1920, gặp Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh) cũng đỗ bằng đíp-lôm vào đây làm việc cùng ở phòng 3 kế toán. Họ nhanh chóng làm quen và thân nhau. Tú Mỡ tuy là công chức nhưng vẫn ôm mộng theo nghề làm văn, làm báo như Tản Đà mà chưa có đất dụng võ.
Năm 1932, tờ báo Phong Hoá của ông Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai ra thứ 5 hằng tuần sắp đình bản vì báo ế, không có độc giả. Nhất Linh ở Pháp mới về nước đã mua lại tờ báo ấy và khuya sớm viết bài xoay xở với báo. Bỗng Nhất Linh nhớ tới Tú Mỡ, đi tìm bạn và rủ cộng tác với mình.
Từ một tờ báo không ai buồn đọc nhanh chóng trở thành tờ báo được mọi tầng lớp trí thức, dân nghèo cả ba miền hoan nghênh, đón nhận. Báo đã đáp ứng nhu cầu khát vọng của quần chúng bấy giờ: Vạch mặt bọn cường quyền, tai to mặt lớn sống trên sự đàn áp, áp bức người khác, châm biếm bọn xu nịnh cúi luồn. Đồng thời mở ra cho người dân cách nhìn vươn tới văn minh dân chủ. Khuyến khích con người đi tìm cảnh sáng tươi thay thế cảnh bùn lầy nước đọng, lầm than.
Bấy giờ trong Tự lực văn đoàn có hai người là Hoàng Đạo và Tú Mỡ đang làm công chức nhà nước. Tú Mỡ làm thư ký Sở Tài chính, còn Hoàng Đạo làm tham tá lục sự toà án, nên họ vừa lo việc công sở lại đảm đương công việc báo đã giao, thật vất vả. Nhất Linh là người tổ chức, chỉ đạo.
Lại nói, trong gia đình nhà văn Nhất Linh có 7 anh chị em. Hai người anh trai đầu đã trưởng thành đi làm. Hai em tiếp theo cũng đang học tại Hà Nội. Là con thứ sáu của gia đình, Thạch Lam lúc còn nhỏ tên là Sáu. Khi đi học lấy tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh. Mãi sau này muốn thi nhảy cấp nên khai tăng tuổi và làm khai sinh lại, thi đậu bằng thành chung.
Khi ấy nhà thơ Tú Mỡ dù lớn hơn Thạch Lam 10 tuổi, có bài thơ mừng hóm hỉnh như sau: "Gửi lời mừng bác Nguyễn Tường Vinh/ Đáng bậc thần đồng bọn học sinh/ Năm trước vừa ăn kỳ tốt nghiệp/ Năm sau liền đỗ bậc chung thành/ Văn hay phúc ấm nhờ tiên tổ/ Cũng bởi công phu gắng học hành…".