Tâm lý "xin link" và sự đồng lõa của người ngoài cuộc
Việc "xin link" khi có thông tin về một clip nóng cũng là sự vi phạm quyền riêng tư và đồng thuận của người khác, cũng như tiếp tay cho văn hóa hiếp dâm.
"Bất kỳ ai xem những hình ảnh đó cũng đang phạm tội tình dục. Họ nên cúi thấp đầu xuống cùng nỗi nhục", Jennifer Lawrence, một trong hàng trăm sao nữ bị hacker tung ảnh nhạy cảm vào năm 2014, từng nói với Vanity Fair.
Khi bất kỳ ngôi sao nào bị đồn lộ ảnh, clip riêng tư, rất nhiều người để lại bình luận trêu chọc, mỉa mai, chỉ trích nạn nhân. "Xin link", "Clip dài bao nhiêu phút?", "Hình ảnh có rõ không?"... rất có thể là những bình luận đầu tiên dưới các bài đăng.
Hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại và gần như đã hình thành nên thói quen, tâm lý chung của một bộ phận người dùng mạng xã hội: Cứ có biến là lại xin link. Nhiều người có thể đồng ý rằng việc phát tán clip nóng khi không có sự đồng thuận của người trong clip là một tội ác cả về đạo đức và pháp luật, nhưng ít ai nghĩ rằng việc tìm kiếm hay xem những hình ảnh đó cũng là một hình thức bạo lực tình dục, tham gia và củng cố cho văn hóa hiếp dâm.
Có thể ngồi tù vì một đường link
Việc phát tán, chia sẻ clip nhạy cảm là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Cụ thể, hành vi tung clip nóng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy" theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, khung hình phạt cho tội này là phạt tiền 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. Nếu ở mức độ nghiêm trọng, người tạo ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm có thể bị phạt tù 7-15 năm.
Các mạng xã hội như Facebook, TikTok cũng có các quy định cấm chia sẻ hình ảnh nhạy cảm. Tháng 8/2021, hàng loạt tài khoản Facebook Việt Nam bị khóa vĩnh viễn vì chia sẻ hoặc xem một clip nhạy cảm liên quan đến trẻ em.
Tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook cấm lan truyền hình ảnh khỏa thân người lớn và hoạt động tình dục, theo điều 14, mục III. Ngoài ra, Facebook nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ vị thành niên tại điều 26, mục VI trong bộ Tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng.
Sự đồng thuận và quyền riêng tư
Sự đồng thuận (consent) và quyền riêng tư (privacy) là hai khái niệm song hành với nhau để cùng giúp bảo mật thông tin cá nhân của một người.
Quyền riêng tư được ví như chìa khóa, giữ cho thông tin được an toàn, nguyên vẹn. Còn sự đồng thuận là việc đồng ý trao chìa khóa này cho ai mà mình tin tưởng. Việc xem một clip "nóng" mà không có đồng thuận rõ ràng từ người tham gia clip là một hành động bạo lực về tình dục.
Nhưng cần lưu ý rằng sự đồng thuận chỉ có hiệu lực trong những tình huống, khoảng thời gian nhất định, và nói như Lauren Duca - nhà báo chuyên về vấn đề giới, chính trị, văn hóa, viết trên Teen Vogue vào năm 2016 - là nó không phải "thẻ thành viên trọn đời của Costco" (siêu thị bán lẻ ở Mỹ).
Với clip riêng tư, một người đồng thuận quay nó hoặc thậm chí chia sẻ nó với những ai họ tin tưởng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với chuyện họ chấp nhận clip bị phát tán và vô số người có thể xem nó. Bất kỳ ai không nhận được sự đồng thuận của chính chủ mà vẫn xem clip tức là đang vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Cụm từ "người của công chúng" thường khiến khán giả lầm tưởng mình có toàn quyền truy cập, kiểm soát cuộc sống của các ngôi sao. Nhưng không. Tất cả mọi người đều có quyền riêng tư được pháp luật bảo vệ, kể cả người nổi tiếng và những người vốn nổi tiếng bằng việc sử dụng hình ảnh cơ thể để kiếm tiền. Ngay cả khi bạn đã được xem những hình ảnh khiêu gợi của một ngôi sao giải trí nào đó trong MV hoặc bộ phim họ tham gia, điều đó không có nghĩa bạn được quyền xem cơ thể họ trong một đoạn clip họ không đồng thuận phát tán ra ngoài.
"Chúng ta không tự động có quyền đối với thân thể của người khác chỉ vì họ là người nổi tiếng hoặc từng kiếm lợi từ sự gợi cảm", Duca viết.
Năm 2016, Hulk Hogan (tên thật là Terry Bollea) đã kiện trang web tin đồn Gawker vì tung clip nhạy cảm của mình. Tòa án đã buộc Gawker phải bồi thường thiệt hại 140 triệu USD cho Hogan vì vi phạm quyền riêng tư của cựu đô vật.
Không lâu sau đó, Gawker tuyên bố phá sản và phải đóng cửa.
Vụ kiện này cũng góp phần thay đổi nhận thức của công chúng đối với các đoạn băng sex của người nổi tiếng.
"Tìm kiếm một cuốn băng sex không được phê duyệt là coi thường tầm quan trọng của sự đồng thuận và tiếp tục duy trì văn hóa hiếp dâm (rape culture)", Lauren Duca kết luận.
Không chỉ là văn hóa hiếp dâm, xem, chia sẻ, bàn luận về một clip riêng tư còn đang củng cố những điều tồi tệ khác: đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming), trả thù khiêu dâm (revenge porn). Trong một xã hội văn minh, tôn trọng quyền con người, thay vì tìm kiếm một đường link, suy đoán người xuất hiện trong clip, chúng ta cần hỏi ai đã phát tán clip và mục đích của kẻ này là gì.