Dạy tích hợp 3 năm vẫn rối, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cách gỡ khó
Dù đã triển khai các môn học tích hợp và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đến năm thứ 3 nhưng các nhà trường vẫn lúng túng vì gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tập huấn về dạy học môn các môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho các cán bộ quản lý, giáo viên trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, 2023-2024 là năm học thứ 3 ngành Giáo dục triển khai thực hiện dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS. "Đây là nội dung mới, khó, trong khi điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên nên không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc, lúng túng", ông nhận định.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo. Từ đó có giải pháp tháo gỡ cho nơi khó khăn, nhân rộng các mô hình làm tốt, xử lý kịp thời các đơn vị chểnh mảng.
Ông Thưởng cũng nhấn mạnh cán bộ quản lý có vai trò quan trọng và cần chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, rõ thực trạng, giải pháp để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ. Địa phương cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng đảm bảo khoa học, hợp lý, bám sát chương trình, yêu cầu của Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Cũng theo Thứ trưởng, việc đào tạo, bồi dưỡng là quá trình liên tục, gắn với mục tiêu trước mắt và lâu dài, mang tầm chiến lược với phương châm tập trung cao độ nhất cho đội ngũ giáo viên.
Tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học chỉ ra nguyên nhân khó khăn trong việc triển khai, dạy môn tích hợp ở các địa phương do thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị và vật dụng thí nghiệm, lúng túng trong tổ chức thực hiện hoạt động, trong tổ chức kiểm tra đánh giá, khó khăn về kinh phí.
Vụ trưởng phân tích, hiện nay cơ cấu giáo viên không đồng đều giữa các phân môn để đảm bảo dạy đúng chuyên môn. Một số giáo viên còn thiếu kinh nghiệm trong việc giảng dạy môn tích hợp hoặc không được đào tạo đầy đủ, chưa đủ điều kiện, tự tin để dạy được các chủ đề trong chương trình môn học.
Một số nơi giáo viên chưa được đào tạo bồi dưỡng dạy học tích hợp môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nên gặp khó khăn trong việc dạy học (như Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị, Bạc Liêu, Kon Tum).
Một số địa phương không có giáo viên được đào tạo chuyên môn về Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp (như Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị, Đắk Nông).
"Việc thiếu giáo viên khiến nhà trường gặp khó khăn khi bố trí, sắp xếp thời khóa biểu. Nếu bố trí dạy song song các mạch kiến thức để ổn định số tiết/tuần cho giáo viên thì các chủ đề có thể bị xáo trộn, không đúng với tinh thần môn học tích hợp bởi chương trình thiết kế theo mạch kiến thức logic", ông Thành nhấn mạnh.
Ông cũng đánh giá thêm, việc tổ chức thực hiện hoạt động còn chưa đồng bộ giữa chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và hướng dẫn của tác giả viết sách giáo khoa về Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nên cán bộ quản lý, giáo viên gặp khó.
Đồng thời, số tiết để tính định mức cho giáo viên tăng lên, trong khi biên chế giáo viên không thay đổi, không có kinh phí để trả thừa giờ cho giáo viên. Nhà trường, giáo viên cũng lúng túng khi xác định nội dung chủ đề theo loại hình sinh hoạt dưới cờ; cách thức tổ chức trong một thời điểm cho nhiều lớp, nhiều khối lớp; cách tính tiết, chế độ cho giáo viên thực hiện.
Bên cạnh đó, việc tổ chức, đánh giá kết quả học tập của học sinh gặp khó khăn do chương trình dạy theo chủ đề nên có những phân môn được dạy nửa đầu học kỳ và tổ chức kiểm tra vào cuối kỳ, do đó kiến thức của học sinh không được liên tục.
Trước những khó khăn trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ cho các địa phương và cơ sở giáo dục.
Cụ thể, với tích hợp, các nhà trường phân công giáo viên phù hợp năng lực chuyên môn với nội dung dạy học (theo mạch nội dung lớn của chương trình môn học hoặc theo các chủ đề).
Bộ GD&ĐT khuyến khích phân công giáo viên đã được bồi dưỡng chuyên môn đảm nhận việc dạy học 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học nhưng phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về năng lực chuyên môn và sự tự tin, sẵn sàng của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.
Việc xây dựng kế hoạch dạy học tổ chức linh hoạt về thời gian, thời điểm thực hiện các mạch nội dung lớn của chương trình hoặc các chủ đề trong từng mạch nội dung lớn của chương trình. Trong đó, sắp xếp thời khóa biểu không để xảy ra tình trạng quá tải cho giáo viên và bảo đảm nội dung dạy học trước là cơ sở cho nội dung dạy học sau đó.
Với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhà trường cần xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng chủ đề. Thời khóa biểu linh hoạt, không bắt buộc phải thực hiện lần lượt các chủ đề theo trình tự trong sách giáo khoa, tránh quá tải đối với giáo viên tại thời điểm thực hiện chủ đề được phân công…