Xã hội

Năm 2023, tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo đa chiều ước tính còn 2,93%

Theo Vietnam+ 10/12/2023 21:40

Dự kiến cuối năm 2023 sẽ có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 còn 2,93%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, giảm 5,62%.

Ước tính tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%, giảm 3,2%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo giảm từ 4%-5%.

Dự kiến cuối năm 2023, có thêm 9 xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, gồm: xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); xã Hải An và Hải Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị); xã Phong Chương, Điền Hương (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế); xã Giang Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế); xã Phú Gia, Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế); xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).

Qua đó, góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đối với 10/54 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đạt khoảng 18,5% so với chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là đến năm 2025 có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chính phủ đánh giá, các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình và giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các địa phương đã cơ bản được ban hành đầy đủ, kịp thời tạo khung pháp lý để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình.

Vốn ngân sách trung ương năm 2023 thực hiện Chương trình đã được cấp có thẩm quyền giao đầy đủ cho các bộ, ngành và địa phương. Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ giao.

Bước đầu người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, còn tồn tại, hạn chế là chậm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2022/TT- BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính; chưa có hướng dẫn đối tượng người lao động có thu nhập thấp để hỗ trợ đào tạo giáo dục nghề nghiệp; chưa có hướng dẫn việc xem xét hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị, phương tiện đào tạo cho Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các huyện nghèo.

Nhà ở hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo đã được hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác giai đoạn trước năm 2021 đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng nhưng chưa được xem xét hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Việc ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn năm 2023 còn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân thấp, dẫn tới chưa đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện Chương trình năm 2023.

Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chặt chẽ, trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch thực hiện chưa cao, chưa chủ động dẫn tới sự chậm trễ trong ban hành văn bản, đề xuất và phân bổ vốn thực hiện Chương trình.

Một số bộ, ngành, địa phương báo cáo còn chậm, số liệu chưa chính xác; chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa. Một số dự án triển khai còn chậm, manh mún, dàn trải.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cán bộ làm công tác giảm nghèo từ trung ương tới địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác. Một số nhỏ còn có tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy né tránh thực hiện công việc, ảnh hưởng đến chuyên môn, tiến độ công việc.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thực hiện Chương trình còn hạn chế dẫn tới việc tổng hợp, báo cáo chậm, chưa có số liệu tổng hợp kịp thời làm căn cứ ra quyết định điều chỉnh; chưa hoàn thành hệ thống quản lý dữ liệu về giảm nghèo.

Công tác truyền thông tuy được đầu tư nguồn lực và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhưng vẫn còn một số nơi thực hiện chưa thực sự hiệu quả, mang tính hình thức hoặc truyền thông chưa sát đối tượng, chưa phù hợp với điều kiện, đặc thù vùng miền.

Từ nay đến hết năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác giảm nghèo; truyền thông, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tích cực tham gia lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội; chú trọng truyền thông về các sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả và gương điển hình vươn lên thoát nghèo.

Chính phủ phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” năm 2023, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.

Một nhiệm vụ khác được Chính phủ đặt ra là hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị về chính sách, pháp luật trong tổ chức thực hiện Chương trình để tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu, đề xuất giải pháp trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết theo phân cấp.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trình cấp có thẩm quyền hướng dẫn một số nội dung về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; công bố kết quả rà soát hộ nghèo năm 2023; hoàn thành việc kết nối dữ liệu về giảm nghèo với dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương khẩn trương, quyết liệt rà soát, hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 38/2023/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia).

ho-ngheo-1-4315.png
Một nhà dân ở thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu, cần được xây mới

Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện công tác giảm nghèo, thực hiện Chương trình.

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả, bảo đảm tiến độ các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, chính sách giảm nghèo thường xuyên, tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo.

Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp để đủ năng lực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ Chương trình) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổng hợp đề xuất phân bổ vốn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phân bổ 12.692 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện 7 dự án (với 11 tiểu dự án) của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đó là các dự án: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, ước giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương đến ngày 31/12/2023, vốn đầu tư phát triển đạt 94,67%, vốn sự nghiệp đạt 88,19%.

Theo Vietnam+