Về Nam Định chiêm ngưỡng những cây cầu cổ bậc nhất Việt Nam
Cầu ngói Quần Anh (huyện Hải Hậu) và cầu lợp làng Kênh (huyện Trực Ninh) có niên đại hàng trăm năm, được coi như "báu vật" của làng quê Nam Định.
Cầu ngói Quần Anh: Dáng tựa rồng bay
Cầu ngói Quần Anh nằm trong Khu di tích lịch sử Chùa Lương - Cầu ngói - Đình Phong Lạc, thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Cầu được xây dựng vào năm 1511, cùng thời với Chùa Lương, đến nay đã hơn 500 năm tuổi.
Cầu được thiết kế theo kiểu “thượng gia, hạ kiều” (nhà trên, cầu dưới) mái lợp tranh. Vào thế kỷ 17, cầu được sửa chữa và lợp lại bằng ngói. Năm 1922, cầu được trùng tu và có diện mạo như ngày nay.
Cầu gồm 9 gian, được xây dựng vững chắc trên 18 cột đá nguyên khối. Phía trên các cột đá là hệ thống giằng và xà ngang bằng gỗ lim để đỡ xà và sàn cầu. Mái cầu với hệ thống cột, xà của ngôi nhà gỗ truyền thống được lợp ngói vảy rồng. Những người thợ mộc, thợ nề xưa đầy sáng tạo, bàn tay tài hoa, thi công tỉ mỉ tạo nên cây cầu duyên dáng, uyển chuyển như một con rồng uốn khúc.
Cầu ngói Quần Anh là một trong những công trình kiến trúc đẹp và là một công trình giao thông cổ tiêu biểu còn sót lại. Cầu góp phần tô đậm vẻ đẹp của quần thể di tích lịch sử Chùa Lương và đền thờ 4 dòng họ có công khai khẩn lập làng.
Cầu lợp làng Kênh: Cây cầu mái cọ "độc nhất vô nhị"
Theo các tư liệu và qua lưu truyền trong dân gian, cầu lợp làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, được xây cách đây hàng trăm năm. Khi xây dựng, mái của cầu được lợp bằng cây bổi (cây cói) chứ không lợp ngói, do bổi nhẹ, xốp hơn, chịu được gió bão. Trải qua thời gian, mỗi khi mái bổi mục nát, nhân dân lại góp công, góp sức trùng tu, lợp lại.
Mới đây nhất, năm 2014, trước tình trạng xuống cấp của cầu, người dân đã kêu gọi, quyên góp tiền để sửa chữa, tu bổ lại mố cầu, làm mới bậc tam cấp, lợp lại mái… để cây cầu vững chắc hơn.
Những người có thâm niên trong làng cho biết, căn cứ hệ thống chữ Hán khắc trên vỉ kèo, cột cho thấy, cầu lợp làng Kênh là cây cầu gỗ mái lợp bổi duy nhất ở Việt Nam với kiến trúc “thượng gia, hạ kiều”.
Trong thời kỳ chống Pháp, cầu lợp làng Kênh là một “chứng nhân lịch sử”, chứng kiến nhiều đau thương của chiến tranh và truyền thống yêu nước, tinh thần kiên trung của người dân quê hương. Thời kỳ này, người dân làng Kênh đã che giấu, nuôi dưỡng nhiều cán bộ hoạt động cách mạng.