Vụ đông bền vững
Hải Dương là điển hình trong sản xuất vụ đông của miền Bắc nhưng vẫn cần có giải pháp để phát triển hiệu quả, bền vững.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức hội nghị tổng kết sản xuất nông nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 các tỉnh, thành phố phía Bắc tại Hải Dương. Không phải ngẫu nhiên Hải Dương được lựa chọn để tổ chức sự kiện quan trọng này bởi nhiều năm qua, tỉnh luôn là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp của cả nước, nhất là sản xuất vụ đông.
Các đại biểu Trung ương và địa phương bạn tới Hải Dương không chỉ dự hội nghị để thảo luận, đánh giá kết quả sản xuất mà còn muốn tận mắt xem nông dân làm vụ đông thế nào. Đoàn đã đi thực tế 2 vùng sản xuất vụ đông lớn của tỉnh là hành, tỏi ở Kinh Môn và cà rốt ở Cẩm Giàng.
Hải Dương từ lâu đã là vựa nông sản của miền Bắc với thế mạnh về cây vụ đông. Bên cạnh kinh nghiệm, nông dân trong tỉnh còn tích cực tìm tòi, mạnh dạn đổi mới, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ vậy, các nông sản vụ đông đã gây dựng được uy tín trong cả nước, thậm chí còn chinh phục được thị trường nước ngoài. Giá trị sản xuất vụ đông của tỉnh đã đạt 223,5 triệu đồng/ha, cao gấp 2,2 lần so với trung bình của toàn miền Bắc. Tại hội nghị này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã khẳng định sản xuất vụ đông là niềm tự hào của nông dân xứ Đông.
Nông dân Hải Dương làm vụ đông quy củ, bài bản. Tỉnh hình thành các vùng chuyên canh cây vụ đông mang bản sắc của từng địa phương. Đó là cải bắp, su hào Gia Lộc; hành, tỏi Kinh Môn; cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách… Điều này đủ để thấy Hải Dương khai thác lợi thế ở từng nơi để phát triển cây trồng phù hợp. Nhiều nông sản vụ đông đã trở thành sản phẩm OCOP, tạo dựng được uy tín, niềm tin để có mặt ở thị trường phân khúc cao. Do đó nông dân càng gắn bó với vụ đông.
Bên cạnh những điểm sáng, thẳng thắn nhìn nhận thì vụ đông của tỉnh vẫn còn "nút thắt" cần sớm được tháo gỡ. Phần lớn nông sản vụ đông tiêu thụ dựa vào thương lái nên nhiều thời điểm giá bán thấp, phụ thuộc. Đặc thù của rau màu là tính mùa vụ, cho thu hoạch trong thời gian ngắn nhưng Hải Dương vẫn chưa có cơ sở chế biến sâu tương xứng với thế mạnh sản xuất. Mặt khác, tỉnh đang hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên thời gian tới quỹ đất phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và vụ đông nói riêng sẽ giảm đi. Do vậy cần có tính toán để vụ đông phát triển bền vững.
Nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, tiêu thụ nông sản vụ đông, tỉnh đã xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp song chưa nhiều. Bởi vậy cần phải có “trọng tài” là cơ quan quản lý nhà nước để quán xuyến, đốc thúc mối liên kết này. Tỉnh nên có cơ chế, chính sách ưu đãi rõ ràng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản; đồng thời có giải pháp nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích sản xuất. Từ đó xây dựng vùng chuyên canh vụ đông giá trị cao. Các địa phương có thể cân nhắc phương án sản xuất vụ đông gắn với các hoạt động du lịch, trải nghiệm để khai thác hiệu quả kinh tế từ những giá trị khác thay vì chỉ chú trọng tới năng suất, sản lượng cây trồng. Một vấn đề khác cần quan tâm là vụ đông xuân ngày càng ấm dần trong khi đó nông sản vụ đông của tỉnh chủ yếu là những cây ưa lạnh. Cho nên cần có kế hoạch để thích ứng, tránh lúng túng, bị động khi thời tiết không ủng hộ.
Vụ đông luôn là điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp của Hải Dương. Còn vụ đông bền vững chính là điểm tựa để tỉnh phát triển kinh tế ngành cân đối, hài hòa, nhất là khi các ngành kinh tế khác gặp khó. Phát triển vụ đông phải theo định hướng cụ thể, rõ ràng để khi nhắc tới sản xuất vụ đông ai cũng nghĩ ngay tới Hải Dương, kể cả khi tỉnh đã trở thành tỉnh công nghiệp.