Tư vấn

Con "nghịch dại" ở trường, bố mẹ có phải cùng chịu trách nhiệm?

Theo VnExpress 10/12/2023 09:49

Con trai tôi học lớp 7 kể nhiều bạn ở trường bị bạn bè đánh, bắt nạt đến mức gây tổn thương cơ thể, không dám đi học, không dám kể cho bố mẹ.

Tôi xin hỏi nếu những hành vi này nghiêm trọng, được xác định là tội hình sự, ví dụ đánh bạn đến thương tật, hoặc gây ảnh hưởng sức khoẻ tinh thần... thì các cháu có phải đi tù?

Có phải người dưới 15 tuổi sẽ đương nhiên không phải chịu trách nhiệm hình sự? Và cha mẹ các cháu có phải chịu trách nhiệm gì không?

BÍCH HÀ

Trả lời: Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự thì tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong 28 điều sau: Điều 123 (Tội giết người), Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 141 (Tội hiếp dâm); Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); Điều 143 (Tội cưỡng dâm); Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); Điều 150 (Tội mua bán người); Điều 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 168 (Tội cướp tài sản); Điều 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản); 171(Tội cướp giật tài sản); Điều 173 (Tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); Điều 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (Tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 265 (Tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (Tội đua xe trái phép); Điều 286 (Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 299 (Tội khủng bố); Điều 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia) và Điều 304 (Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).

- Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 7-15 năm tù.

- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong trường hợp bạn ví dụ, hành vi đánh bạn dẫn đến thương tật, được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Học sinh từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà phạm tội thuộc khoản 3 (hoặc khoản 4, 5) tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức án 5 năm tù đến tù chung thân (tức là thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng).

Với tư cách là người đại diện hợp pháp, cha, mẹ của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự (phạt tù) nhưng sẽ phải bồi thường thiệt hại dân sự cho người bị hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản do người phạm tội gây ra.

Theo VnExpress