Những lưu ý quan trọng đối với bảo hành ô tô
Việc duy trì bảo dưỡng và bảo hành ô tô là một phần quan trọng trong chăm sóc xe, giúp giảm nguy cơ hỏng hóc, kéo dài tuổi thọ và tiết kiệm chi phí sửa chữa.
Hơn thế, những chi tiết máy nếu bị hư hỏng nặng sẽ gây ra mất an toàn cho người sử dụng. Sau đây là những điều cần biết về bảo dưỡng và bảo hành xe ô tô. Đối với an toàn của người lái, đặc biệt là các chi tiết máy móc, quan trọng nhất là phải nắm vững những điều cơ bản về bảo dưỡng và bảo hành ô tô.
Dưới đây là một số điểm cần lưu ý:
1. Phân biệt bảo hành và bảo dưỡng ô tô
Nhiều chủ xe thường nhầm lẫn giữa bảo hành và bảo dưỡng ô tô, điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi khi phải đối mặt với sự cố. Theo Nghị Định 116/2017/NĐ-CP:
- Bảo hành: Là trách nhiệm của nhà sản xuất và phân phối để bảo đảm chất lượng ô tô đã bán trong một khoảng thời gian nhất định.
- Bảo dưỡng: Là công việc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhằm duy trì trạng thái vận hành bình thường của ô tô. Chủ xe cũng có thể tự ý mang xe đến xưởng dịch vụ để kiểm tra và bảo dưỡng.
Tóm lại, bảo hành là trách nhiệm của nhà sản xuất với những phụ tùng có vấn đề trong thời gian nhà sản xuất cam kết bảo hành như lỗi lắp ráp, lỗi phụ tùng. Ngược lại, bảo dưỡng xe là nghĩa vụ của chủ xe. Do đó, chủ xe cần phân biệt bảo hành và bảo dưỡng xe ô tô để bảo đảm quyền lợi khi xe có hư hỏng.
2. Thời gian và điều kiện bảo hành
Thời gian bảo hành chung là 3 năm hoặc 100.000 km cho xe ô tô mới, gần đây có các Hyundai, Subaru cùng các thương hiệu của Thaco… phân phối đã nâng bảo hành lên 5 năm hoặc 100.000km tùy điều kiện nào đến trước, nhưng cũng có những chính sách đặc biệt như VinFast có thể kéo dài lên đến 10 năm hoặc 200.000 km.
Tuy nhiên, thông tin chi tiết về bảo hành thường không được các hãng xe cung cấp rõ ràng. Chủ xe cần thận trọng và hỏi rõ về các quy định và điều kiện của bảo hành.
3. Các bộ phận không được bảo hành
Một số bộ phận như lốp xe, cần gạt nước, đèn pha không được bảo hành do chúng có thể bị hao mòn từ sử dụng hàng ngày.
Nếu xe bị hư hại do tai nạn, những hư hại này thường không được bảo hành. Việc tự ý sửa chữa cũng có thể làm mất hiệu lực bảo hành.
4. Thời gian mang xe đi bảo hành
Mang xe đến đại lý đúng thời gian quy định trên phiếu bảo hành và sử dụng đúng phiếu đó để đảm bảo quyền lợi. Thông thường, trong thời gian bảo hành, không có chi phí phát sinh.
Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại ý hoặc không được bảo hành, chủ xe cần kiểm tra chi phí phát sinh để tránh hiểu lầm.
5. Yếu tố ngoài kiểm soát của nhà sản xuất
- Những sửa chữa do sử dụng sai cách, tai nạn, ảnh hưởng từ môi trường như mưa axit, hóa chất, sấm chớp, ngập lụt thường không được bảo hành.
- Việc sử dụng nguyên liệu, dầu bôi trơn không đúng cách cũng là lý do để hủy bỏ bảo hành.
Lưu ý rằng việc đọc kỹ thông tin trên sổ bảo hành và hiểu rõ nó sẽ giúp chủ xe tránh được những hiểu lầm và tranh chấp về chi phí phát sinh.