Vaccine cúm có thể làm giảm nguy cơ đau tim
Một nghiên cứu cho thấy, những người được tiêm vaccine cúm ít có nguy cơ bị đau tim và tử vong vì bệnh tim mạch hơn.
Vaccine cúm đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng theo mùa, nhập viện và tử vong. Tại Mỹ, người dân từ sáu tháng tuổi trở lên được khuyến khích tiêm vaccine cúm theo mùa.
Nghiên cứu mới đây cho thấy, vaccine cúm có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn cho người lớn tuổi. Cụ thể, những người được tiêm chủng có nguy cơ bị đau tim thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch thấp hơn 33%.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Y tế Shahid Beheshti ở Tehran, Iran, đã phân tích dữ liệu từ hơn 9.000 bệnh nhân có độ tuổi trung bình là 61. Trong đó, hơn 4.500 người được tiêm vaccine cúm, số còn lại được dùng giả dược, sau đó, được theo dõi trung bình trong chín tháng.
Trong thời gian này, 517 trường hợp biến cố tim mạch nghiêm trọng đã xảy ra ở những người được tiêm vaccine cúm và 621 trường hợp ở nhóm dùng thuốc.
Các nhà nghiên cứu đánh giá: “Những bệnh nhân được tiêm vaccine cúm đã giảm nguy cơ tử vong do tim mạch hơn 20%”.
Tiêm phòng cúm giúp ích cho tim như thế nào?
Nhiễm cúm gây ra tình trạng viêm toàn thân, có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo và cholesterol trong động mạch và gây ra các bệnh tim mạch. Đồng thời, có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch, khiến hệ thống dễ bị nhiễm trùng thứ phát, làm trầm trọng thêm tình trạng tim mạch.
Trong khi đó, vaccine cúm sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch và việc điều chỉnh hệ thống này đúng cách là điều cần thiết cho sức khỏe tim mạch.
Các nhà nghiên cứu kết luận: “Những phát hiện này nhấn mạnh tác động tiềm ẩn của việc tiêm phòng cúm trong việc bảo vệ chống lại các kết quả bất lợi về tim mạch ở nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương”.
Ai nên tiêm vaccine cúm?
Tiêm vaccine cúm theo mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị biến chứng nặng. Đây là nhóm người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ mang thai và mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận mãn tính.
Các tình trạng sức khoẻ sau đây cũng có thể khiến mọi người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm:
- Tình trạng thần kinh và phát triển thần kinh
- Rối loạn máu, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm
- Bệnh phổi mãn tính
- Rối loạn gan
- Béo phì
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh tật, chẳng hạn như HIV, AIDS hoặc một số bệnh ung thư hoặc thuốc, bao gồm hóa trị và thuốc ức chế miễn dịch
- Người có tiền sử đột quỵ
Mặc dù vaccine là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng nhưng những thói quen tốt về sức khỏe cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và ở nhà khi cảm thấy bản thân bị ốm. Đặc biệt, phải che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi.
Bên cạnh đó, cần vệ sinh tay đúng cách, bao gồm rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng chất khử trùng có chứa cồn, cũng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng. Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng vì tay có thể bị nhiễm vi trùng.