Gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái đen Lai Châu qua lễ hội Then Kin Pang
Với nhiều nghi lễ, trò diễn, điệu múa, phản ánh quan niệm tín ngưỡng, Then Kin Pang là lễ hội lớn, ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc và thể hiện rõ rệt nhất tư duy sáng tạo của người Thái.
Ở tuổi ngoài 70, thầy mo Lò Văn Lương (Tân Uyên, Lai Châu) là người làm lễ chính cho người dân địa phương. Tuy vậy, với nghi lễ Then Kin Pang (tiếng Thái có nghĩa là Then xuống trần chơi hội cây nêu), ông cho biết, mỗi thầy mo không được tổ chức quá nhiều lần trong đời làm thầy mo.
Theo quan niệm của người Thái, Then có nghĩa là “tiên”, “người trời”; “Kin” có nghĩa là ăn, ăn mừng; “Pang là lễ, người dự lễ”. Hiểu một cách đơn giản, Then Kin Pang là lễ hội cúng mừng con nuôi của người Thái do một thầy mo Then trong bản tổ chức hàng năm. Ngoài ra, Then Kin Pang cũng là lễ hội cầu phúc lộc cho gia đình và con cháu.
Lễ được tổ chức vào dịp tháng 2 Âm lịch hàng năm, khi hoa nở, cây cối đâm chồi khắp vùng miền núi phía Bắc.
Từ xa xưa, trong thế giới tâm linh đồng bào Thái ở Tây Bắc quan niệm Mường trời có các đấng thần linh cai quản. Con người dưới trần gian chịu sự chi phối của trời và các đấng thần linh. Người nhà trời, thông qua người đại diện là Then sẽ xuống trần gian gặp gỡ dân bản, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui. Then cũng là người đại diện cho hạ giới giãi bày tâm tư, nguyện vọng của muôn dân với trời và các đấng thần linh.
Lễ hội Kin Pang gồm 2 phần lễ và phần hội. Phần lễ thực hiện các nghi thức cúng, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn đối với trời đất, thần linh; cầu mong các vị thần ban phước lành, che chở, là chỗ dựa tinh thần cho nhân dân trong vùng vượt qua khó khăn, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như: “Thỉnh đoàn quân mo”, “Thỉnh thần linh bản mường”, “Điểm Mâm” hay “Dâng rượu cần”...
Tthầy Lương cho biết, trong vùng không có nhiều thầy mo then. Các thầy mo then là người có uy tín trong cộng đồng, thường ở trong gia đình có truyền thống làm Then và là người am hiểu về phong tục, có thể thực hiện tất cả những nghi lễ tâm linh truyền thống, từ ma chay, cưới hỏi đến mừng thọ...
“Phải là người truyền được linh thiêng từ thần linh mới dựng được cây nêu, mới làm Then Kin Pang được. Nếu không ai cũng làm thầy mo rồi” - thầy mo Lò Văn Lương vui vẻ tâm sự.
Các lễ thức thực hiện chủ yếu do người làm mo Then đảm nhiệm. Trước và trong những ngày làm lễ Then Kin Pang, người làm Then tránh trùng với ngày mất của cha mẹ đẻ, kiêng sinh hoạt vợ chồng, kiêng ăn thịt lợn trắng, trâu trắng, cá da trơn, lươn, tôm, không ăn, uống đồ thừa, không đi qua dây phơi, máng nước.
Theo tục lệ của người Thái, ngày thầy mo Then làm lễ, các con nuôi của Then từ khắp các bản gần mường xa đều đến, mỗi người mang một lễ vật để phụ giúp thầy cúng. Đó có lẽ cũng là phần vui nhất, ý nghĩa nhất của một ngày lễ lớn như Then Kin Pang.
Theo đó, thầy Lương cũng cho biết: Người Thái không câu nệ lễ vật. Ai có gì góp nấy. Bởi thế, vào ngày lễ Then Kin Pang, bà con người chuẩn bị con gà, con lợn, người góp gạo, xôi trắng, xôi đỏ mang đi cúng. Cúng cho đất nước, bản làng, người thân được an lành, hạnh phúc, có nhiều sức khỏe và làm ăn phát đạt. Quan trọng nhất là phần hội, khi người dân trong bản được gặp nhau, được vui vầy bên nhau.
Để có một ngày hội tưng bừng, làm vui lòng Then, người Thái dựng một cây nêu và trang trí đẹp mắt bằng những đồ vật mà Then và các thần yêu thích.
Cây nêu được làm từ 1 cây chuối rừng và 2 cây cau rừng ghép lại. Trên đó trang trí hoa chuối, hoa quả tươi, hoa bằng chỉ màu, côn trùng bằng giấy tượng trưng cho những món đồ yêu thích của các linh hồn, loài thú rừng đến hưởng lộc và hai quả trứng nhuộm là đồ chơi yêu thích của thần mưa, thần nắng.
Cây nêu được chọn phải có gốc, thân thẳng đẹp, không cụt ngọn, lá xanh tươi. Khi chọn được cây nêu, người làm Then phải khấn xin phép thần núi, thần cây cho rước cây về làm lễ. Cây nêu là trung tâm của nghi lễ, gốc dựng 6 khúc thân chuối tượng trưng cho đàn trâu. Cây nêu được quét nước vôi vào thân, cành… Hàm ý giữ hồn những người tham gia lễ khỏi ham lên cõi Then chơi mà lạc lối không về trần gian được.
Sau lễ cúng, thầy cúng dâng gà tạ ơn Then tại hình một. Hình một là một bàn thờ nhỏ, treo đầy những dây hoa được làm bằng vải màu mà người Thái gọi là hoông may. Đây là nơi trú ngụ của Then, các quan mường trời và linh hồn các con nuôi khi được thầy mo thính về. Mời Then, thần nước, thần đất, thần mưa, thần nắng, những vị thần cai quản trần gian về thụ lộc, ban phúc.
Trong bài cúng Then Kin Pang có đoạn: “Mời Then, thần nước, thần đất, thần mưa, thần nắng/Những vị thần cai quản trần gian/ Người hầu lễ xếp 3, 4 hàng đây là người trần mắt thịt/ Mo tôi đây chắp tay quỳ gối chào quan/ Dâng mâm lễ - quan Mường ăn cho đủ/ Dâng mâm lễ quan chủ không thiếu ai/ Mười người đủ một mâm, chín người cũng một mâm/ Then tạo Mường trời vào có đôi có cặp/ Thụ lộc và ban phúc cho mo/ Cho con nuôi và dân bản, không ai ốm đau bệnh tật".
Phần hội gồm các phần múa, trò diễn tạo nên tính hấp dẫn, vui nhộn như: “Tăng Pẳng”, “Thuồng luồng uống nước”, “Voi uống nước”, “Người Xá hút thuốc”, “Chữa bệnh mắt mù”, “Chữa bệnh điếc tai”, “Trâu cày ruộng”, “Sinh thực khí”... Người Thái quan niệm, ngay khi phần hội diễn ra, Then và các vị thần trời cũng đang hòa vào đội múa, cùng uống rượu và say sưa múa hát. Điệu múa khăn càng vui, cảng tưng bừng thì các Ngài càng vui lòng và ban cho dân bản những điều tốt đẹp nhất.
Đơn giản về lễ vật nhưng trang trọng trong chuẩn bị, nghi thức; chứa đựng tín ngưỡng dân gian đồng thời cũng là nơi người dân quây quần, diễn xướng nhiều nét văn hóa cổ truyền, trò chơi dân gian… Có thể thấy, lễ hội Then Kin Pang chính là lễ hội nhiều ý nghĩa, mang giá trị về mặt tâm linh, tín ngưỡng và ẩn chứa nhiều giá trị nghệ thuật đặc sắc của dân tộc Thái nói chung, và người Thái đen ở Lai Châu nói riêng.