Đông Nam Bộ có tỉ lệ sinh viên đại học cao nhất nước
Tỉ lệ sinh viên đại học/một vạn dân ở Đồng bằng sông Hồng là 352, trong khi khu vực Đông Nam Bộ là 373 dù tỉ lệ trường đại học chỉ bằng 1/2.
Sáng 7/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm lấy ý kiến góp ý dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, việc quy hoạch này dựa trên hệ thống sẵn có. Quy hoạch hệ thống thế nào cho tối ưu nhất chứ khó có thể đáp ứng hết mong đợi của các bên liên quan.
"Quy hoạch có sự sắp xếp, tạo không gian để hệ thống giáo dục đại học phát triển chứ không phải giải quyết hết các vấn đề của giáo dục đại học. Vì có sắp xếp nên sẽ có sự đụng chạm. Trường nào được quy hoạch trọng điểm dù có tiêu chí cụ thể nhưng cũng là vấn đề nhạy cảm" - ông Sơn nói.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy mô đào tạo đại học năm học 2021 - 2022 có 2.145.426 sinh viên.
Tỉ lệ sinh viên nhập học (đăng ký học) so với tổng số người trong độ tuổi học đại học, cao đẳng (GER) năm 2021 của Việt Nam là 35,4%, thấp hơn Indonesia (36,3%), Thái Lan (43,8%), Malaysia (43,1%) hay Singapore (91,1%).
Quy mô sinh viên có sự khác biệt giữa các vùng miền. Đồng bằng sông Hồng chiếm 23,49% dân số cả nước, tỉ lệ trường đại học chiếm 44,26% và quy mô sinh viên chiếm 39,86% tổng số sinh viên cả nước.
Ngược lại, Đồng bằng sông Cửu Long quy mô dân số chiếm 17,75% nhưng chỉ chiếm 6,97% trường đại học và 8,24% tổng số sinh viên cả nước.
Tỉ lệ sinh viên/vạn dân có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng miền. Đông Nam Bộ là khu vực có tỉ lệ sinh viên/vạn dân cao nhất, 373 sinh viên/vạn dân.
Trong khi đó tỉ lệ trường đại học của Đông Nam Bộ chỉ chiếm 22,95%, còn của Đồng bằng sông Hồng, nơi có tỉ lệ trường đại học cao nhất cả nước, là 44,26%.
Tỉ lệ sinh viên của Đồng bằng sông Hồng là 352 sinh viên/vạn dân. Thấp nhất là Tây Nguyên, 51 sinh viên/vạn dân, Trung du miền núi phía Bắc là 53 sinh viên/vạn dân.
Cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở giáo dục đại học công lập (26 cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các địa phương), 67 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học hiện nay khá phức tạp với nhiều mô hình quản trị, quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đại học phân mảnh khi số lượng cơ sở giáo dục đại học trực thuộc các bộ, ngành (không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo) có tỉ lệ cao.
Số lượng các trường đại học địa phương khá lớn trong khi quy mô đào tạo của các trường đại học địa phương chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong cơ cấu đào tạo của cả nước.
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấu trúc hệ thống này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý, hiệu quả đầu tư và hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học.