Những vận động viên giã từ sự nghiệp thi đấu vì chấn thương
Để có được một tấm huy chương, các vận động viên có khi phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Rủi ro về chấn thương luôn rình rập họ suốt quá trình tập luyện và thi đấu.
Những niềm hy vọng vàng sớm lụi tắt
Phạm Văn Cường vốn là niềm hy vọng vàng của cử tạ Hải Dương, sau thế hệ của tượng đài cử tạ Nguyễn Thị Thiết. Sinh năm 1991, Phạm Văn Cường quê ở thôn Cập Nhất, Tiền Tiến (TP Hải Dương). Anh sớm được phát hiện và giành nhiều huy chương vàng giải trẻ quốc gia cũng như giải vô địch quốc gia. 17 tuổi, Phạm Văn Cường đã vô địch quốc gia, 19 tuổi anh phá kỷ lục quốc gia. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2010, anh thi đấu ở hạng cân trên 105 kg, giành 3 huy chương vàng, phá 2 kỷ lục quốc gia. Anh cũng từng là thành viên đội tuyển cử tạ quốc gia Việt Nam thi đấu tại SEA Games...
Thế nhưng, những chấn thương liên tiếp đã ngăn cản Phạm Văn Cường tiếp tục với thể thao đỉnh cao.
Trong quá trình tập luyện, anh bị thoát vị đĩa đệm đốt L5 và phải sang Trung Quốc điều trị. Khi sức khỏe đã ổn định, anh quay lại tập luyện và chuẩn bị thi đấu giải vô địch quốc gia. Nhưng trong 1 buổi tập, anh lại bị thoát vị đĩa đệm đốt L4. Sau khi điều trị để hồi phục, các bác sĩ khuyến cáo anh không tập nặng nữa... Mọi thứ dường như sụp đổ với chàng trai mới 20 tuổi, song Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương đã tạo điều kiện để anh theo học Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Sau 4 năm học, giờ đây Phạm Văn Cường đã trở lại cử tạ với vai trò trợ lý cho huấn luyện viên trưởng. Một số huấn luyện viên cử tạ giàu kinh nghiệm cho biết, nếu không chấn thương, Phạm Văn Cường còn gặt hái nhiều thành công hơn nữa và có thể thi đấu thêm từ 3-4 kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc nữa.
Không may mắn như Phạm Mạnh Cường, Nguyễn Thị Sáu cũng là một vận động viên võ thuật giàu tiềm năng, đã có thành tích và từng là thành viên đội tuyển quốc gia song đã phải từ giã sự nghiệp vì chấn thương. Cô từng giành huy chương bạc quốc gia, huy chương bạc giải câu lạc bộ quốc gia, nhiều năm là thành viên đội tuyển quốc gia. Trước đó, Nguyễn Thị Sáu nằm trong đội tuyển pencak silat Hải Dương, sau chuyển sang đội tuyển Judo... Các chấn thương dai dẳng không thể điều trị đã khiến chị không thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp vận động viên và huấn luyện viên. Hiện nay, cô gái quê TP Chí Linh này làm trong bếp ăn của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương...
Chấn thương rình rập
Những người làm thể thao luôn nằm lòng câu: "Đùi to bóng đá/ Hóp má điền kinh/ Chết bất thình lình là ông thể dục" để nói về sự vất vả và nguy hiểm của vận động viên.
Không chỉ vận động viên, huấn luyện viên cũng phải đối mặt với chấn thương, dù tỷ lệ thấp hơn. Từng có giáo viên Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh ngã gãy cổ trong quá trình huấn luyện. Với vận động viên, nặng thì phải từ giã sự nghiệp, nhẹ thì để lại di chứng suốt đời.
Theo một số huấn luyện viên của Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương, bộ môn nào cũng có rủi ro, song tập trung nhiều vào các môn đại khối lượng như cử tạ, ném lao, ném tạ xích hoặc bóng đá; các môn đối kháng như pencak silat, karate, judo, boxing...
Không chỉ chấn thương, ở một số môn thể dục, vận động viên thậm chí tử vong nếu trong quá trình tập luyện hoặc thi đấu thực hiện sai động tác. Ở các môn này, vận động viên thường phải thực hiện nhiều động tác như san tô, bật nhảy, nhảy ngựa, qua xà đơn, xà kép, nhảy cừu... nên rất nguy hiểm.
Hiện tại, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương có 28 đội tuyển, 558 vận động viên song bộ phận y tế có rất ít người. Trong quá trình các đội tuyển thi đấu trong nước, nhân viên y tế chỉ đi theo các đội tuyển bóng đá, hoặc có giải không đi theo. Ở các bộ môn khác, không may vận động viên bị chấn thương trong quá trình tập luyện, chỉ có huấn luyện viên, phụ huynh hoặc lực lượng y tế tại chỗ hỗ trợ. Điều kiện về y học thể thao của Hải Dương còn rất hạn chế nên các vận động viên và huấn luyện viên là người chịu thiệt thòi nhất khi không may gặp phải chấn thương.
Đời vận động viên rất ngắn và chịu nhiều hy sinh. Kể cả khi không gặp chấn thương thì có một số vận động viên có thể cả đời tập luyện, thi đấu nhưng cũng chưa từng giành huy chương. Song các vận động viên, huấn luyện viên vẫn chấp nhận đối mặt với rủi ro để mang vinh quang cho tỉnh cũng như quốc gia. Vì thế, y học thể thao của Hải Dương cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa để lực lượng vận động viên, huấn luyện viên yên tâm tập luyện và thi đấu.