Đề xuất áp dụng sớm hơn quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở
HoREA vừa có công văn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng sớm hơn đối với các quy định về phát triển nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2023, thay vì thời gian áp dụng từ 1/1/2025.
Nhận định các quy định về nhà ở xã hội được đề cập trong Luật Nhà ở 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV phù hợp với thực tiễn, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng sớm hơn đối với các quy định về nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của người dân.
Thông tin cụ thể về đề xuất trên tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay Luật Nhà ở 2023 được Quốc hội thông qua mới đây có nhiều nội dung ưu việt về phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, lần đầu tiên bộ luật này có chương riêng (chương VI) quy định đồng bộ các cơ chế chính sách để phát triển nhà ở xã hội.
Đơn cử như tại Khoản 5 Điều 77 của luật quy định “Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” để đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội “mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở; cho phép các “tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định” được thực hiện cho vay ưu đãi đối với các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội “mua, thuê mua nhà ở xã hội.”
Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định “điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội” đã bãi bỏ “điều kiện cư trú” hoặc giao cho Chính phủ quy định “điều kiện về thu nhập” đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội; hoặc quy định “đối tượng thuê nhà ở xã hội thì không phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập.”
Theo nhận định của HoREA, quy định trên là rất hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế dịch chuyển lao động và thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao giữa các vùng miền, địa phương và để phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng thời kỳ.
Ngoài ra, Điều 85 của luật quy định “Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” không phải bằng vốn ngân sách Nhà nước được hưởng các ưu đãi, như: Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.
Đáng chú ý, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hạch toán riêng, không được tính chi phí đầu tư xây dựng phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này vào giá thành nhà ở xã hội và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại này; được vay vốn với lãi suất ưu đãi…
“Đây là nội dung rất cần thiết, hợp tình hợp lý, đáp ứng được một phần nguyện vọng của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030,” ông Châu nhận định.
Tuy nhiên theo quy định, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2025. Như vậy, phải mất hơn 1 năm nữa, luật này mới chính thức đi vào cuộc sống. Vì lẽ đó, HoREA đã có công văn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng sớm hơn đối với các quy định về nhà ở xã hội trong luật này.
Theo HoREA, quyết định mang tính “đặc cách” trên trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, nhằm thực hiện “Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030” cũng như cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để đáp ứng nhu cầu cấp bách và nguyện vọng của người dân có liên quan; góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội và công tác chỉnh trang tái phát triển đô thị.