Apple phải bồi thường vì làm chậm hiệu suất iPhone
Ngày 6/12, Tòa án Cấp cao Seoul đã yêu cầu Apple phải bồi thường 70.000 won (hơn 53 USD)/trường hợp cho 7 người dùng iPhone vì đã làm chậm hiệu suất của thiết bị sau khi cập nhật phần mềm.
Phán quyết này đảo ngược một phần phán quyết trước đó của tòa án cấp dưới.
Tòa án Cấp cao Seoul nêu rõ tập đoàn công nghệ Mỹ có trách nhiệm bồi thường cho người dùng vì đã gây tổn hại về tâm lý do xâm phạm quyền lựa chọn của họ. Quyết định này được đưa ra sau khi các tòa án sơ thẩm ra phán quyết chống lại hơn 62.000 người dùng iPhone ở Hàn Quốc trong các vụ kiện đòi Apple bồi thường 200.000 won/người dùng với cáo buộc công ty này cố tình làm chậm hiệu suất của các mẫu máy cũ sau khi cập nhật phần mềm để buộc họ mua máy mới. Tuy nhiên, 7 nguyên đơn đã kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
Tòa phúc thẩm cho rằng ngay cả khi bản cập nhật phần mềm có mục đích ngăn thiết bị tắt nguồn vẫn gây hạn chế hiệu suất của bộ xử lý (CPU) và các bộ phận khác. Do vậy, Apple có nghĩa vụ giải thích đầy đủ giúp người mua lựa chọn có nên cài đặt bản cập nhật hay không, nhưng công ty này đã không làm vậy. Tuy nhiên, Tòa án Cấp cao Seoul bác bỏ cáo buộc của các nguyên đơn rằng bản cập nhật phần mềm của Apple phân phối các chương trình độc hại hoặc làm hỏng thiết bị iPhone.
Vụ bê bối của Apple về iPhonge được gọi là "batterygate" bắt đầu từ cuối năm 2017, khi có cáo buộc cho rằng hãng công nghệ toàn cầu này đã cản trở hiệu suất một số mẫu iPhone để duy trì tuổi thọ pin của thiết bị. Apple lúc đầu phủ nhận việc cố tình làm chậm pin iPhone, nhưng sau đó tuyên bố làm như vậy để bảo toàn tuổi thọ pin và khẳng định biện pháp này không nhằm thúc đẩy người dùng mua thiết bị mới.