Giới trẻ Hàn Quốc sẽ được khám sức khỏe tâm thần 2 năm một lần
Hàn Quốc ngày 5/12 đã triển khai kế hoạch toàn diện nhằm cung cấp dịch vụ kiểm tra sức khỏe tâm thần hai năm một lần cho thanh niên tuổi từ 20 đến 34.
Bên cạnh đó, cũng có các dịch vụ tư vấn khác phù hợp với mọi nhóm tuổi. Đây được coi là nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm giải quyết tỷ lệ tự tử cao của nước này. Theo tờ Korea Herald, gần 20 năm qua, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Theo dữ liệu OECD công bố vào tháng 9, tỷ lệ tự tử tại Hàn Quốc là 25,2 trường hợp trên 100.000 dân năm 2022, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình của OECD là 10,6 trường hợp trên 100.000 người.
Gần 40.000 người Hàn Quốc đã tự kết liễu đời mình trong ba năm qua và tỷ lệ tự tử ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi. Để giải quyết tình trạng sức khỏe tâm thần ngày càng suy yếu, chính phủ Hàn Quốc dự kiến thực hiện kiểm tra sức khỏe tâm thần hai năm một lần, bắt đầu với người dân trong nhóm từ 20 đến 34 tuổi và sau đó mở rộng sang tất cả các nhóm tuổi để phát hiện sớm các dấu hiệu cảnh báo.
Hiện tại, Hàn Quốc cung cấp dịch vụ khám sức khỏe tâm thần cho người dân trong độ tuổi từ 20 đến 70 cứ 10 năm một lần. Chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch tăng cường quản lý theo dõi bằng cách hợp tác với trung tâm phúc lợi sức khỏe tâm thần và khoa tâm thần của các bệnh viện sau khi việc khám xét được thực hiện.
Nỗ lực mới của chính phủ Hàn Quốc đã được Tổng thống Yoon Suk-yeol công bố tại cuộc họp về chính sách sức khỏe tâm thần vào ngày 5/12. Ông Yoon Suk-yeol cho biết sẽ thành lập một ủy ban mới để vạch ra chính sách sức khỏe tâm thần và theo dõi các khoản đầu tư và cơ sở hạ tầng cho chăm sóc tâm thần.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần đối với sự phát triển của đất nước trong tương lai. Tổng thống Yoon Suk-yeol nêu bật: “Bây giờ là lúc đất nước phải thực hiện các biện pháp tích cực để đảm bảo sức khỏe tâm thần cho người dân. Các vấn đề về sức khỏe tâm thần không phải là điều mà cá nhân có thể tự mình giải quyết được. Chúng ta phải biến nó thành một chương trình nghị sự quan trọng của quốc gia và tìm kiếm giải pháp”.
Kế hoạch này cũng bao gồm việc cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý cho 80.000 người vào năm 2024 và mở rộng con số này lên khoảng một triệu người vào năm 2027.
Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ ấn định số điện thoại 109 là đường dây nóng mới về khủng hoảng sức khỏe tâm thần. Bên cạnh đó, Hàn Quốc dự định cung cấp liệu pháp tin nhắn văn bản trực tuyến cho thanh thiếu niên. Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Cho Kyu-hong cho biết: “Bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào sức khỏe tâm thần cộng đồng, chúng ta sẽ tạo ra một xã hội nơi mọi người dân có thể sử dụng các dịch vụ sức khỏe tâm thần mọi lúc, mọi nơi”.
Ngoài ra, Bộ Y tế và Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc sẽ thành lập một trung tâm ứng phó khẩn cấp chung hoạt động 24/7 với cảnh sát và chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở 17 khu vực. Mục đích là để tăng hiệu quả ứng phó khẩn cấp cho những người mắc các vấn đề sức khỏe tâm nghiêm trọng.
Bộ Y tế còn có kế hoạch xem xét liệu có nên áp dụng “hệ thống nhập viện tư pháp”, trong đó người mắc bệnh tâm thần có thể phải nhập viện theo lệnh của tòa án. Cơ quan này cũng tìm cách đảm bảo có thêm giường cấp cứu tâm thần và tăng cường chia sẻ thông tin về sức khỏe tâm thần giữa các cơ quan liên quan.
Các biện pháp khác bao gồm đến năm 2027 đào tạo khoảng 228.000 chuyên gia sức khỏe tâm thần – tăng 34.000 so với 194.000 năm 2019 – và cải thiện điều kiện làm việc.
Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu bổ sung thêm nhiều trung tâm phục hồi chức năng để giúp những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần quay trở lại xã hội. Bắt đầu từ tháng 7/2024, Bộ Y tế sẽ bắt đầu đào tạo về phòng chống tự tử cho 16 triệu người.
Ngoài ra, Bộ Y tế Hàn Quốc sẽ phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm hạn chế kỳ thị đối với những người mắc bệnh tâm thần. Cơ quan này còn có kế hoạch hướng dẫn đưa tin trên phương tiện truyền thông về sức khỏe tâm thần để giảm thiểu phân biệt đối xử và định kiến.