Khẩn trương xây dựng phương án vận hành theo kịch bản mưa lũ bất thường
Chiều 5/12, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn hỏa tốc yêu cầu xây dựng các phương án vận hành theo kịch bản mưa bất thường.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh có cường độ trung bình đến mạnh, từ đêm 6 - 8/12, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa, rải rác mưa vừa, có nơi mưa to, mưa rất to; mưa tập trung chính trong ngày 7/12.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các chủ hồ, đập thủy điện, thủy lợi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hồ chứa Hương Điền, Bình Điền, Tả Trạch, khẩn trương rà soát, đánh giá rút kinh nghiệm trong vận hành điều tiết hồ chứa trong thời gian qua, đặc biệt trong các trận lũ từ giữa tháng 11/2023 đến nay; xây dựng các phương án điều tiết vận hành cụ thể theo các kịch bản mưa bất thường được dự báo từ ngày 6 – 8/12, để có kế hoạch vận hành giảm lũ hợp lý, vừa đảm bảo an toàn hồ chứa, vừa góp phần giảm lũ ở vùng hạ du và tích đủ nước cho năm 2024.
Phương án vận hành theo kịch bản mưa lũ bất thường hoàn thành và gửi về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế trước 13 giờ ngày 6/12 để làm cơ sở phối hợp vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương và các khu vực trong thời gian tới.
Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thường xuyên kiểm tra, phát hiện các điểm nguy cơ sạt lở ven hồ, công trình đầu mối gồm: đập dâng, đập phụ, đập tràn, cống xả sâu, tuy nen, tuyến đường ống áp lực, nhà máy thủy điện, trạm biến áp, trạm điện dự phòng, khu quản lý điều hành; kho bãi, lán trại của công nhân vận hành, thi công; kiểm tra tình hình trượt lở ven hồ phía thượng lưu đập dâng, đập tràn, đề phòng đất đá sạt lở mạnh gây sóng lũ và nước hồ dâng đột ngột tràn qua đập gây sự cố công trình. Đồng thời, các đơn vị quản lý hồ chứa nước cần đề phòng hiện tượng sạt lở sườn đồi bờ sông phía hạ lưu đập dâng, đập tràn làm hạn chế thoát lũ và đe dọa đến vận hành an toàn công trình trong mọi tình huống.
Ngoài ra, các đơn vị trên cũng cần tăng cường công tác phối hợp cảnh báo lũ với chính quyền và nhân dân khu vực hạ du các hồ chứa; kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn; bổ sung vật tư, máy móc dự phòng để sẵn sàng ứng phó ngay từ giờ đầu khi có sự cố xảy ra…