Gia đình

Con hư tại mẹ chẳng oan

LÊ THỊ KẾT 11/12/2023 14:00

Lần này, con trai đi cai nghiện về chưa đầy 1 tuần, bà Hà đã đi bán ngay đôi bông tai 2 chỉ và 1 con lợn để mua cho nó chiếc xe máy đời mới, giá mấy chục triệu đồng.

mh-gdxh-bhd-8.12.23-copy.jpg

Đồng hồ mới điểm 4 tiếng chuông, bà Hà đã vội vàng trở giấc. Bà mở tủ lạnh lấy miếng thịt lợn rừng đã để dành trong ngăn đá mấy tháng nay để rã đông chuẩn bị nấu mâm cơm cúng. Hôm nay, thằng con trai út tên Nam của bà mãn hạn cai nghiện trên trung tâm huyện về. Thấy vậy, ông Tấn chồng bà cằn nhằn:

- Làm gì mà bà phải dậy sớm thế! Con trai út về có khác...

- Thì tôi đã bảo ông từ hôm qua rồi còn gì - bà Hà nói với chồng. Nó đi cai nghiện 4 năm, nay trở về, gì thì gì cũng phải làm mâm cơm, trước là cúng ông bà tiên tổ, sau thì cả gia đình họp mặt ăn cho con nó vui chứ.

- Ôi giời - ông Tấn thở dài - Còn bà, còn tôi đấy, tôi bảo đảm với bà cái ngữ nó chỉ có lên… nóc tủ mới không nghiện, chứ cứ cái kiểu dạy con như bà thì chỉ dăm bữa nó lại đâu đóng đó.

Chỉ có mỗi chuyện làm tiệc để đón con trai đi cai nghiện về đã là đề tài tranh luận gay gắt của hai vợ chồng bà Hà mấy hôm nay. Ông Tấn nhất quyết phản đối vì nghĩ làm cỗ như vậy dân làng người ta cười vào mặt cho, con đi cai nghiện, chứ có phải đi nước ngoài về đâu mà “hoành tráng”, khoe mẽ... Nhưng bà Hà lại bảo vệ quan điểm là phải làm cỗ! Vì không muốn to chuyện nên ông Tấn đành để vợ muốn làm thế nào thì làm. Ngay như cái chuyện đón thằng con từ trại cai nghiện về, trung tâm cách nhà hơn chục km, bà Hà cũng lên kế hoạch thuê một chuyến taxi. Nghe thấy vợ có ý như vậy, ông Tấn gạt phăng đi, vẻ dứt khoát:

- Chuyện bà nấu tiệc, làm cỗ đãi con tôi đã chiều lòng bà, riêng cái chuyện bà thuê taxi đón nó là không được. Một là bảo nó đi xe ôm về, hai là bảo thằng con rể chạy xe máy vào đón... làm gì phải vẽ sự, tốn kém như thế.

Thấy chồng nổi nóng, bà Hà đành dằn lòng, bỏ kế hoạch thuê taxi, mà chuyển qua phương án sai con rể đi đón thằng út.

Là hàng xóm, tôi thấy ngán ngẩm cho vợ chồng bà Hà. Họ đã quá khổ vì thằng con trai nghiện hút. Ông bà đã ngoài 70 tuổi mà vẫn phải hằng tháng gom tiền vào thăm nuôi con. Không chỉ 4 năm của đợt cai nghiện mới nhất này, trước đó con trai của ông bà đã đi cai tới 2 lần, mỗi lần 2 năm, vậy tổng cộng thời gian cai nghiện đã tới 8 năm dài. Thế nhưng, mỗi lần đi cai về nó vẫn chẳng thể đoạn tuyệt với ma túy.

Thực ra thì việc thằng Nam sa đà vào nghiện hút một phần cũng do cách giáo dục của bà Hà, bởi bà nuông chiều con quá mức, đến nỗi chồng bà nhiều khi còn không thể chấp nhận được. Ngay từ khi cu cậu mới học cấp 2, nó thường xuyên theo bè bạn bỏ nhà đi bụi qua đêm, nhưng bà Hà cũng không la mắng hay trách móc gì. Thậm chí, mỗi lần nó hư láo, phạm tội gì đó, chồng bà có cầm roi đánh con, bà Hà cũng bênh con chằm chặp. Rồi thì, thằng con muốn gì được nấy, khi nó yêu cầu bà mua quần áo, mua xe máy... bà cũng đều đáp ứng tuốt, kể cả phải đi vay mượn. Chính vì được mẹ nuông chiều nên thằng Nam tiêu tiền bạt mạng, cứ hết là lại về vòi vĩnh mẹ.

Lúc thằng Nam mới bập bẹ dính vào nghiện hút cùng chúng bạn, hàng xóm đã cảnh báo, khuyên răn nhưng bà Hà gạt phăng đi bảo: “Tôi đẻ ra nó tôi biết chứ! Tôi thấy nó còn chưa hút thuốc lá, huống gì là nghiện...”. Thời gian qua đi, tới khi thằng Nam dính sâu vào ma túy, bị công an bắt bà Hà mới ngã ngửa. Những lần bỏ tiền ra đi tiếp tế cho con, dẫu tốn kém, khổ cực nhưng bà không dám hé răng kêu than nửa lời với xóm giềng. Thậm chí, với chồng bà cũng không dám kể lể than vãn này nọ.

Lần này, con trai đi cai nghiện về chưa đầy 1 tuần, bà Hà đã đi bán ngay đôi bông tai 2 chỉ và 1 con lợn để mua cho nó chiếc xe máy đời mới, giá mấy chục triệu đồng. Thấy bà làm vậy, không chỉ ông Tấn không đồng ý, mà các con trai, gái, dâu, rể đều phản đối ra mặt. Tất cả mọi người đều góp ý nhưng bà vẫn bảo thủ biện hộ: “Nó đã thề rồi, nó quyết tâm lắm và lần này sẽ không nghiện hút nữa đâu. Mua cho nó cái xe để nó lấy phương tiện đi lại, chứ lấy gì mà đi". Nghe bà nói vậy, mọi người trong gia đình đều lắc đầu ngán ngẩm. Ai cũng nghĩ dạy con theo kiểu của bà thì con cái không hư hỏng, không tái nghiện mới là lạ!

LÊ THỊ KẾT