Đề xuất mở rộng độ tuổi đối với người chết não hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể
Đây là đề xuất của các chuyên gia tại Hội thảo khoa học góp ý vào Dự thảo đề cương luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác do Bộ Y tế tổ chức, ngày 4/12, tại Hà Nội.
Theo đại diện Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), Việt Nam thực hiện ca ghép tạng lần đầu tiên vào tháng 6/1992. Đến ngày 11/2/2010, ca ghép tạng đầu tiên từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tính đến đầu tháng 10/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép tạng, tuy nhiên trong số này chỉ có 466 và 7 ca ghép tạng từ người chết tim, tương đương với 5,92% số ca ghép đã thực hiện.
Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, qua nghiên cứu cho thấy đa phần quốc gia có tỷ lệ người chết não hiến tạng trên 1 triệu dân cao nhất thế giới thì 50% số ca hiến từ người trẻ (dưới 18 tuổi) và người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Tại các nước này đều không giới hạn độ tuổi ở người sau khi chết, thậm chí một số quốc gia như Hàn Quốc còn quy định tuổi cận dưới, lấy từ 16 tuổi thay vì 18 tuổi như Việt Nam hiện nay...
Trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thế người và hiến lấy xác năm 2006 của Việt Nam mới có có quy định về tình trạng chết não là "tình trạng toàn não bộ bị tổn thuơng nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và nguời chết não không thể sống lại được", chứ chưa có quy định về chết ngừng tim. Luật cũng quy định về độ tuổi lấy tạng ở người hiến sống điểm cận dưới (nghiêm cấm lấy mô, bộ phận cơ thể người ở người sống dưới 18 tuổi) và quy định quyền hiến mô, tạng và hiến xác "người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác" chứ chưa có những quy định cụ thể về điểm cận trên, cận dưới của tuổi hiến mô, tạng ở người sau khi chết.
Theo các chuyên gia, đây là một hạn chế trong thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc khi thực hiện vận động lấy tạng từ người sau khi chết, nhất là người chết não dưới 18 tuổi.
Do đó, nhiều chuyên gia đề xuất cần có quy định điều chỉnh, mở rộng độ tuổi đối với người chết não hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể.
Theo ông Đỗ Trung Hưng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), hiện nay Luật Hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác sau khi đi vào đời sống đã có một số bất cập cần sửa đổi. Mục tiêu lớn nhất của việc sửa đổi là tăng nguồn hiến tạng.
Giải pháp đầu tiên là xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu, tạo lập kết nối giữa người chờ hiến tạng và người hiến tạng tiềm năng.
“Hiện nay, hệ thống của chúng ta chỉ mới có thông tin người chờ hiến, nhưng chưa có thông tin người có tiềm năng (hiến tạng sau khi chết, chết não). Vì vậy, cần hoàn thiện được cơ sở dữ liệu đồng bộ với tất cả bệnh viện”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề xuất.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề nghị, ngay khi người bệnh chết não, đối chiếu theo thông tin đăng ký hiến tạng tích hợp trên căn cước công dân sẽ có thể nhanh chóng lấy tạng của người hiến cứu sống các bệnh nhân đang trong danh sách chờ.
Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng đề xuất thêm chính sách cho gia đình người hiến tạng như được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí để động viên, khuyến khích gia đình người hiến tạng.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện rất nhiều quốc gia trên thế giới đã có ngày hiến tạng quốc gia, nhiều hoạt động vinh danh tưởng niệm người hiến mô, tạng như Ấn Độ là ngày 3/8; Hàn Quốc là ngày 9/9; Trung Quốc là ngày 11/6…
"Vì vậy, tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên có một Ngày hiến tạng Việt Nam. Theo đó, trung tâm đề xuất ngày 1/7 là ngày Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có hiệu lực (ngày 1/7/2007)", Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Phúc đề xuất.