Thủ tướng Belarus thăm Việt Nam
Thủ tướng Cộng hòa Belarus Roman Golovchenko sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6 - 9/12.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-9/12.
Ông Belarus Roman sinh năm 1973 tại thành phố Zhodino, Belarus. Năm 1996, ông tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Quốc gia Moskva, Liên bang Nga. Năm 2003, ông tốt nghiệp Học viện Quản lý trực thuộc Tổng thống Belarus.
Từ năm 1996-1997, ông đảm nhận vị trí Trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Công ty Beltechexport.
Năm 1997 - 2002, ông là chuyên gia chính Ban Thư ký nhà nước Hội đồng An ninh Belarus. Năm 2002 - 2006, ông là Phó trưởng Phòng Giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực công nghiệp quân sự, Viện Công tố Belarus.
Năm 1996-1997, ông là Cố vấn chính Vụ Đối ngoại Văn phòng Tổng thống Belarus. Năm 2006 - 2009, ông đảm nhiệm vị trí Cố vấn chính Phòng hợp tác trong lĩnh vực an ninh quốc tế và một số vị trí cố vấn khác.
Đến năm 2009 - 2013, ông trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban nhà nước về công nghiệp quân sự; năm 2013 - 2018 là Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Belarus tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, kiêm nhiệm Qatar, Coet và Ả-rập Xê-út.
Năm 2018 - 2020, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban nhà nước về công nghiệp quân sự Belarus. Từ tháng 6/2020 đến nay, ông đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Cộng hòa Belarus.
Thủ tướng Belarus có vợ, con trai và hai con gái. Ông là người có thiện cảm với Việt Nam.
Belarus là nước có tiềm lực công nghiệp, nông nghiệp, khoa học, giáo dục và quốc phòng, đứng thứ 3 trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Sau khi tách ra độc lập năm 1991, Belarus được thừa hưởng nhiều cơ sở kinh tế, công nghiệp, quân sự và khoa học của Liên Xô cũ và có thế mạnh trong các ngành cơ khí, điện tử, quang học, hóa chất, phân bón, gỗ, giấy, chế biến cao su…
Những năm đầu độc lập, Belarus gặp nhiều khó khăn. Từ 1994, Lãnh đạo Belarus chủ trương cải cách kinh tế, từng bước theo hướng kinh tế thị trường có điều tiết của Nhà nước, ổn định tình hình để dần thoát khỏi khủng hoảng.
Từ năm 1996, nền kinh tế Belarus phục hồi và tăng trưởng. Do đại dịch COVID-19, GDP của Belarus năm 2020 giảm 0,9%. Năm 2021, GDP đạt hơn 70 tỷ USD, tăng 2,3% so với 2020. Năm 2022, GDP đạt 65 tỷ USD, giảm 4,7% so với năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2023, GDP của Belarus đạt 54,3 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ 2022 (thống kê sơ bộ).
Hiện Belarus đẩy mạnh cải cách, tự do hóa nền kinh tế, thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt... Belarus chủ trương phát triển các ngành năng lượng thay thế như điện hạt nhân, nhiên liệu sinh học, mở rộng và đa dạng hóa hoạt động kinh tế đối ngoại sang châu Á, Mỹ La tinh, thu hút đầu tư từ châu Âu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới.
Chính sách kinh tế - thương mại của Belarus tập trung phát triển theo hướng mở cửa thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới, đa dạng hóa quan hệ, tìm kiếm các thị trường mới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Belarus bao gồm phân bón, các sản phẩm từ dầu mỏ, máy kéo, xe tải, sợi bông, săm lốp, đồ gỗ…
Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm dầu thô, các sản phẩm từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, khí hóa lỏng, kim loại và các sản phẩm từ kim loại, linh kiện máy móc, thiết bị…
Năm 2021, kim ngạch ngoại thương của Belarus đạt 79 tỷ USD (tăng 34%), trong đó xuất khẩu đạt 39 tỷ USD (tăng 37,4%) và nhập khẩu đạt 39,8 tỷ USD (tăng 31%). Năm 2022, kim ngạch ngoại thương của Belarus đạt 74,9 tỷ USD, giảm 5%.