Đại đoàn kết toàn dân tộc: Đường lối chiến lược có ý nghĩa quyết định thắng lợi
Sáng 4/12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trình bày chuyên đề Nghị quyết số 43-NQ/TW: "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc".
Nhấn mạnh ba lý do rất quan trọng để Trung ương ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chủ tịch nước cho biết, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chúng ta đã có những bước tiến trong xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy. Các giai tầng xã hội chuyển biến tích cực, phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Trung ương đã thống nhất đánh giá vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm và rút ra một số bài học kinh nghiệm. Từ thực tiễn sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước cho thấy, tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã có nhiều thay đổi.
Theo Chủ tịch nước, nhận thức về đoàn kết, đại đoàn kết có nhiều yếu tố mới và không chỉ ở Việt Nam, mà cả khu vực, thế giới. "Giữa đoàn kết và chia rẽ thì dường như đoàn kết sẽ mạnh hơn, phát triển. Không đoàn kết hay tệ hơn là chia rẽ sẽ kiềm chế sự phát triển, thậm chí kéo thụt lùi sự phát triển của một số quốc gia", Chủ tịch nước phân tích.
Về nội dung của Nghị quyết số 43-NQ/TW, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết có 4 quan điểm được Đảng tiếp cận đầy đủ, toàn diện, hệ thống, trong đó, khẳng định vị trí, vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quan điểm thứ nhất, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu và là đường lối, chiến lược, xuyên suốt của Đảng, đây là nguồn sức mạnh to lớn và nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi. Nền tảng quan trọng của đại đoàn kết toàn dân tộc chính là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; cùng với đó là quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân, là niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Thêm đó là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết giữa giai tầng xã hội, cộng đồng dân tộc, tôn giáo, người Việt trong nước, ngoài nước và giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới...
Bác Hồ đã nói "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công" - dẫn lời dạy của Bác Hồ, Chủ tịch nước cho rằng, nếu như có đoàn kết trong Đảng thì sẽ có thành công. Nếu có đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong dân thì sẽ có thành công lớn hơn và nếu có cả đoàn kết trong Đảng, trong dân và đoàn kết quốc tế thì sẽ đạt tới đại đoàn kết, đại thành công lớn hơn.
Như vậy, cách đặt vấn đề của Nghị quyết số 43-NQ/TW đã rộng hơn, làm rõ hơn nội hàm của đại đoàn kết dân tộc.
Quan điểm thứ hai, xác định mục tiêu chung của dân tộc để phát huy truyền thống và sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ, mỗi người có một suy nghĩ khác nhau, thậm chí yêu nước bằng một cách riêng của mình. Nhưng điểm chung nhất mọi người Việt Nam yêu nước là xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Quan điểm thứ ba, về phương thức để phát huy truyền thống và sức mạnh đại đoàn kết, trong Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu đoàn kết toàn dân tộc phải gắn với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phân tích quan điểm này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh muốn đại đoàn kết phải phát huy dân chủ và nếu đoàn kết mà không có dân chủ thì là đoàn kết "xuôi chiều" hay đoàn kết mà không lắng nghe các ý kiến khác nhau là đoàn kết "xuôi chiều".
"Cán bộ cấp dưới mà cứ lựa coi cấp trên nghĩ gì để nói là nguy hiểm cho Đảng, đất nước. Một cán bộ vào họp tập thể lãnh đạo nhưng lại cứ suy nghĩ vấn đề này ông thủ trưởng nói, suy nghĩ thế nào để mình nói phù hợp thì nguy hiểm. Cái đó là đoàn kết một chiều, đoàn kết xuôi chiều, đoàn kết trên sự bưng bít, không lắng nghe sự thật. Đoàn kết phải phát huy dân chủ, chỗ nào không có dân chủ thì không có đoàn kết thực sự", Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước nêu, chỗ này chỗ kia vẫn có câu chuyện họp nhưng thấy không thẳng thắn, không trao đổi một cách chân thành, lắng nghe, phân tích, mổ xẻ mà bàn vấn đề gì chỉ đi hỏi thủ trưởng nghĩ chuyện này thế nào để phát biểu cho trúng ý thủ trưởng là không nên.
Quan điểm thứ tư, theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân, trách nhiệm của Đảng, cả hệ thống chính trị. Trong đó, Đảng giữ vai trò quan trọng nhất. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, tiềm năng, sáng tạo của nhân dân.