Việt Nam nên đặt mục tiêu đón bao nhiêu khách quốc tế năm 2024?
Theo các chuyên gia, ngành du lịch Việt Nam nên đặt mục tiêu đón khách quốc tế "tham vọng như Thái Lan" hoặc phục hồi như trước dịch.
Dữ liệu từ Cục Du lịch quốc gia công bố hôm 29/11 cho thấy 11 tháng đầu năm Việt Nam đón hơn 11,2 triệu lượt khách quốc tế, cao gần gấp rưỡi mục tiêu đề ra hồi đầu năm là 8 triệu lượt. Tuy nhiên, con số này mới chỉ bằng 62% so với cùng kỳ 2019.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết dựa vào số liệu nói trên, hết năm 2023 Việt Nam có thể đón 13-13,5 triệu lượt khách. Năm 2024, con số có thể lên đến 14-15 triệu lượt nếu không có vấn đề bất ngờ phát sinh.
Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cũng cho rằng mục tiêu 15 triệu khách quốc tế "là một con số khả thi và phù hợp với sự phát triển du lịch của Việt Nam trong năm 2024".
CEO Lux Group Phạm Hà lại đặt ra thách thức cao hơn khi cho rằng "Việt Nam cần tham vọng như Thái Lan". Thay vì đặt mục tiêu đón khách bằng 2019, Việt Nam có thể đặt mục tiêu tham vọng hơn là 20 triệu lượt. "Chúng ta hãy mạnh dạn đặt ra mục tiêu đón bằng nửa Thái Lan thời kỳ đỉnh cao và từ đó quyết tâm biến mục tiêu thành hiện thực", ông Hà nói.
Trong cuộc phỏng vấn trước đó, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) Vũ Quốc Trí cũng bày tỏ mong muốn toàn ngành đặt ra mục tiêu "phục hồi hoàn toàn du lịch vào năm 2024". "Chúng ta cố gắng năm sau đạt được mọi chỉ tiêu như 2019, năm đỉnh cao của du lịch Việt Nam", ông Trí nói.
Năm 2019 Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, tổng thu từ du lịch đạt 32,5 tỷ USD (tăng 18,5%). 2019 cũng là năm Việt Nam tăng trưởng khách quốc tế cao hơn mức trung bình toàn cầu (3,8%) và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4,6%), theo số liệu từ Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO).
Theo ông Trí, ngành du lịch Việt cần đẩy nhanh phục hồi. Nếu để 3 năm sau mới về bằng thời điểm trước dịch thì "quá chậm" và có thể bị các quốc gia khác vượt lên. "Chúng ta chưa phục hồi hoàn toàn thì sao có thể nói chuyện tăng tốc", ông Trí cho hay.
Thái Lan đã đặt mục tiêu rõ ràng cho năm 2024 cùng các kế hoạch để hoàn thành. Prommin Lertsuridej, trợ lý hàng đầu của Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin ngày 19/11 cho biết chính phủ lên kế hoạch nới lỏng thêm chính sách visa cho một số nước châu Âu, cấp phép tổ chức hơn 3.000 sự kiện để thu hút khách du lịch ghé thăm năm sau. Tổng Cục Du lịch Thái Lan (TAT) đặt mục tiêu nâng doanh thu du lịch từ khách quốc tế trở lại mức trước dịch với ít nhất là 57 tỷ USD vào 2024.
"Việt Nam vẫn còn dè dặt trong việc đề ra mục tiêu", ông Trí nói.
Để đạt được mục tiêu phục hồi về mức trước dịch hoặc cao hơn trong năm 2024, ông Phạm Hà cho biết cần định vị thương hiệu của du lịch rõ ràng hơn nữa đối với thị trường khách quốc tế. Ngoài các biện pháp như quảng bá, xúc tiến du lịch, Việt Nam cần "nói tiếng nói của từng thị trường khách du lịch". "Cần tìm hiểu nhu cầu của từng thị trường khách và phục vụ đúng thứ họ cần. Khách châu Á chắc chắn sẽ có nhu cầu khác khách Âu", ông Hà nói thêm.
Ngoài tập trung vào các thị trường khách truyền thống như Trung Quốc, Việt Nam cần hướng tới các thị trường mới, còn nhiều dư địa như Bắc Âu để tăng lượng khách ghé thăm. Khách Bắc Âu thường đi nghỉ dài, lên tới 30 ngày và chi tiêu vì thế cũng nhiều hơn. Khách nhà giàu Ấn Độ, Trung Đông, Australia, New Zealand cũng là một gợi ý. Ngoài việc đơn giản hóa thủ tục visa, Việt Nam cần mở thêm các đường bay thẳng đến các nước này và cung cấp các sản phẩm du lịch họ yêu thích để khách không chỉ đến nhiều mà còn tăng tỷ lệ quay lại. Theo khảo sát năm 2018 của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam khoảng 10-40% còn Thái Lan là 80%.
PGS.TS Phạm Hồng Long nói thêm ngoài số lượng, ngành du lịch cũng cần quan tâm đến chất lượng khách, tăng khả năng chi tiêu. Để khách đến nhiều và tiêu nhiều hơn cần cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam bằng cách quản lý tốt điểm đến, tạo môi trường xanh, sạch, nâng cao sức cạnh tranh điểm đến. Ngoài các chính sách hỗ trợ du lịch, Việt Nam cũng cần có sự liên kết tốt giữa các chuỗi cung ứng. Các công ty du lịch sẽ khó bán tour nếu giá phòng khách sạn, vé máy bay, suất ăn cho khách đều tăng. Theo ông Long, chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn hoạt động lỏng lẻo và yếu.
Việt Nam cần mở thêm các trung tâm xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm như mô hình TAT Thái Lan đang làm. Hiện tại, TAT có hơn 20 văn phòng đại diện trên thế giới. Tại mỗi quốc gia, TAT lại có chiến dịch quảng bá riêng, nhằm thu hút khách du lịch.
Ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng trở thành điểm đến an toàn, đáng tin cậy với các dịch vụ du lịch chất lượng cũng là cách để Việt Nam hút khách nhiều hơn sau dịch. Cần đào tạo lại và quản lý nguồn nhân lực trong ngành du lịch để phục vụ khách chuyên nghiệp hơn cũng như đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nước sạch, điện lực giúp khách thuận tiện, thoải mái khi đến.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trí, không thể dồn hết mọi việc lên ngành du lịch. Đón 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2024 là "mong muốn của những người làm du lịch" nhưng cũng cần xét đến các yếu tố bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh để có thể hoàn thành được mục tiêu đề ra hay không. Việt Nam cần có sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành khác. Du lịch Thái Lan phát triển như hiện nay là do "cả nước cùng làm du lịch", từ hàng không, giao thông vận tải đến hạ tầng cơ sở, điện nước, năng lượng, sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp nặng.
Tổng thư ký VITA cho rằng không nên "quá bi quan về du lịch Việt Nam" vì "ngành du lịch đang làm tốt và có tiến bộ". Điều đó không chỉ thể hiện qua lượng khách tăng trưởng từng năm và đứng top 4 tại Đông Nam Á vào năm 2019 mà còn thể hiện qua sự đóng góp của du lịch vào GDP. "Năm 2015, ngành du lịch đóng góp hơn 6% cho GDP. Năm 2019, con số đó là hơn 9%", ông Trí nói.