Góc nhìn

Rất khó phát mại tài sản bảo đảm tại ngân hàng

SONG TƯỜNG 04/12/2023 07:30

Tưởng dễ, song thực tế việc ngân hàng phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không đơn giản.

tai-san-bao-dam.png
Vì nhiều nguyên nhân, việc ngân hàng phát mại tài sản để thu hồi nợ không dễ dàng, khiến áp lực nợ xấu tăng cao (ảnh minh họa)

Sáng 15/11, trang Facebook Beat Hải Dương đã đăng tải 3 ảnh có kèm nội dung “Tại Nguyễn Văn Linh gần lẩu dê Nhất Ly, rất nhiều người đứng xem ngân hàng niêm phong xe bắt nợ”. Trong những hình ảnh được đăng tải xuất hiện một nhóm người mặc áo có ghi dòng chữ “Security ngân hàng” phía sau lưng. Sự việc xiết nợ tài sản của khách hàng nói trên không phải do ngân hàng ở Hải Dương thực hiện. Khách hàng vay vốn cũng ở ngoài tỉnh. Vì nhiều lý do, khoản vay này bị thu hồi tài sản bảo đảm.

Sau khi thu hồi tài sản bảo đảm, bước tiếp theo các ngân hàng sẽ phát mại tài sản này để thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc này không hề dễ.

Tại sao ngân hàng lại khó khăn trong phát mại tài sản? Thông thường, vay tiền tại ngân hàng bên cạnh những yếu tố quan trọng như mục đích, thời gian vay vốn, chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ, khách hàng cần thế chấp tài sản để bảo đảm cho khoản vay. Dù đã ký kết hợp đồng tín dụng, song nếu khách hàng không thể thực hiện nghĩa vụ, tức là không trả được nợ đã vay thì ngân hàng cũng không thể “tự nhiên” mà đem tài sản đã thế chấp đi bán được. Đây là cái khó đầu tiên.

Khi không trả được nợ, trừ trường hợp người đi vay tự nguyện ủy quyền bằng văn bản để ngân hàng rao bán tài sản thì ngân hàng mới được bán tài sản nhằm thu hồi nợ. Song theo nhiều ngân hàng trong tỉnh, vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau nên số lượng khách hàng thực hiện ủy quyền này tương đối ít. Khi không thể thỏa thuận về việc bán tài sản, ngân hàng và khách hàng sẽ phải cùng nhau hầu tòa chờ phán quyết. Điều này dẫn đến cái khó thứ hai, đó là mất thời gian giải quyết tại tòa án.

Một số lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng việc khởi kiện qua tòa án thường kéo dài, tốn kém nhiều chi phí, nhiều khoản vay từ lúc khởi kiện đến lúc thi hành án, phát mại tài sản mất tới 2-3 năm để hoàn tất việc thu hồi nợ, thậm chí lâu hơn.

Chờ mãi cho đến khi tòa án ban hành phán quyết, đến khâu thi hành án lại tắc. Từng có trường hợp bản án đã chuyển đến cơ quan thi hành án, nhưng chưa kịp thi hành án thì nội bộ khách hàng có đơn thư liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng. Bản án vì thế buộc phải ngưng quyết định thi hành. Vụ việc đã khiến ngân hàng cho vay mất hơn 10 năm chưa xử lý được dứt điểm. Có trường hợp khách hàng cố tình tạo ra tranh chấp nhằm trì hoãn việc bàn giao tài sản thế chấp cho cơ quan thi hành án. Ít năm trước, Hải Dương cũng từng ghi nhận trường hợp món nợ của một công ty vay tại một ngân hàng trong tỉnh 5 năm giải quyết không xong, cũng vì liên quan đến việc khách hàng không hợp tác.

Việc bán tài sản thu hồi nợ sẽ được một đơn vị đấu giá thực hiện rao bán đấu giá công khai. Với những tài sản thế chấp giá trị thấp, có tính thanh khoản như ô tô thì việc đấu giá không quá khó khăn. Bất động sản thì ngược lại. Trong giai đoạn hiện tại, khi thị trường ế ẩm, việc đấu giá bất động sản cũng èo uột theo. Thậm chí nhiều ngân hàng “đại hạ giá” tài sản song việc đấu giá cũng bất thành.

Dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm. Một trong những vấn đề được quan tâm là thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, cũng như vấn đề quyền tự chủ của ngân hàng về tài sản bảo đảm. Dự thảo luật này theo dự kiến ban đầu được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, các đại biểu đã biểu quyết chưa thông qua tại kỳ họp này.

Trong thời gian này, ngành ngân hàng cũng như các ngành liên quan có thêm thời gian để nêu ý kiến, nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát mại tài sản bảo đảm, giảm áp lực gánh nợ xấu của ngân hàng.

SONG TƯỜNG