Đề nghị tăng lương khởi điểm của bác sĩ
Nghề bác sĩ yêu cầu thời gian học dài, để có chứng chỉ hành nghề, đi làm phải mất tới 7, 8 năm trong khi lương chỉ như cử nhân, do vậy cần tăng lương khởi điểm, theo đại diện Công đoàn Y tế.
Chiều 2/12, trong phiên tham luận tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đại diện cho gần 500.000 đoàn viên, PGS.TS Phạm Thanh Bình - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam - đề xuất giải pháp liên quan đến tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, nhân viên y tế.
Bác sĩ ra trường có lương như cử nhân
Theo bà Phạm Thanh Bình, ngành y đặc thù với trình độ và chất lượng lao động cao, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm. Trong đó có 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp, trong khi cử nhân chỉ học 4 năm. Tuy nhiên khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau.
Do đó, Chủ tịch Công đoàn Y tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Cấp có thẩm quyền nghiên cứu cơ chế chi lương phù hợp hoặc áp dụng cơ chế tiền lương doanh nghiệp với đơn vị sự nghiệp công bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).
Đề xuất tăng trợ cấp theo lương cơ sở mới
Về phụ cấp trực, bà Bình nêu rõ mức phụ cấp của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập theo quyết định 73/2011 quá thấp, không còn phù hợp. Ví dụ, trực ngày thường là 18.750 đồng/ngày (trực 16/24 giờ), 25.000 đồng/ngày (trực 24/24 giờ) theo mức lương cơ sở thời điểm 2011, tức 830.000 đồng.
Bà Bình nêu ý kiến Chính phủ có thể xem xét nâng phụ cấp trực theo mức lương tại Nghị định 24/2023 quy định lương cơ sở từ 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng.
Về phụ cấp ưu đãi nghề, bà dẫn chứng Chính phủ đã có Nghị định 05/2023 về chế độ với công chức, viên chức tại cơ sở y tế công lập, theo đó phụ cấp 100% áp dụng với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng.
Song nghị định chỉ áp dụng từ 1/1/2022 đến hết 31/12/2023.
"Đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn nghị định trên và mở rộng đối với đối tượng y tế cơ sở hưởng phụ cấp. Các chế độ phụ cấp trực và ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được quy đổi để tính vào mức lương mới sẽ áp dụng từ 1/7/2024 đối với ngành y tế", bà Phạm Thanh Bình đề xuất.
Trong khi đọc tham luận, PGS.TS Phạm Thanh Bình xúc động khi nhắc câu chuyện ngành y "căng mình" chống chọi dịch bệnh, khó khăn thời gian qua.
"Chắc cả nước không thể quên hình ảnh của các chiến sĩ áo trắng phải rời xa người thân và gia đình, xung phong vào tâm dịch các chiến trường từ Hạ Lôi - Mê Linh - Hà Nội, Sơn Lôi - Vĩnh Phúc, đến Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng rồi các tỉnh phía Nam.
Rất nhiều thầy thuốc có con nhỏ, mẹ già, bản thân có bệnh nền, nhưng các chiến sĩ áo trắng đã trở thành lực lượng chủ yếu tiên phong, dũng cảm, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch" - bà Phạm Thanh Bình bày tỏ.
Trong dịch, Công đoàn Y tế đã tham mưu nâng hỗ trợ dinh dưỡng 1 triệu đồng cho mỗi cán bộ, sinh viên y, dược đi tăng cường tại các tỉnh, thành phía Nam hay hỗ trợ đặc thù 2 triệu đồng/người đi tăng cường chống dịch do Bộ Y tế điều động.