Nhiều học sinh ngộ độc khi ăn kẹo lạ, bác sĩ chỉ cha mẹ cách xử trí
Liên tiếp các vụ trẻ bị ngộ độc do ăn kẹo lạ mua ở cổng trường, nhiều phụ huynh lo lắng không biết xử trí ra sao.
Chị Lương Thị Trang (38 tuổi, sống tại Hoàng Mai, Hà Nội), có con đang học lớp 6 vô cùng lo lắng khi biết thông tin học sinh tại nhiều tỉnh, thành phố bị ngộ độc do ăn phải kẹo mua trước cổng trường.
Dù liên tục nhắc con không được ăn bất kỳ loại bánh kẹo nào khi đi học nhưng chị vẫn không yên tâm, lo sợ con ăn phải kẹo lạ có chứa chất độc hại, thậm chí chất gây nghiện.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ, nỗi lo lắng này của cha mẹ là hoàn toàn tự nhiên, bởi nếu trẻ ăn phải kẹo lạ và bị ngộ độc thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Trẻ bị ngộ độc có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, buồn nôn, thậm chí sốt do nhiễm khuẩn, một số trường hợp có thể bị tiêu chảy, gây mất nước mệt mỏi.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ trẻ tiếp xúc với các loại kẹo lạ, ảnh hưởng đến sức khỏe cha mẹ tuyệt đối không cho tiền con mua đồ ăn vặt tại trường.
Hạn chế ăn vặt đối với trẻ, nhắc nhở trẻ ăn những loại đồ ăn rõ nguồn gốc, không ăn, uống thực phẩm lạ ngoài khu vực trường học. Bởi những sản phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ngộ độc.
Trường hợp trẻ ăn phải các loại kẹo lạ, xuất hiện dấu hiệu hưng phấn, kích thích, đau đầu hay buồn nôn, thầy cô giáo và bố mẹ cần đưa ngay trẻ tới ngay các cơ sở y tế.
Khi trẻ mang các sản phẩm kẹo lạ về nhà, cha mẹ cần quan sát, không nên để trẻ ăn. Nếu trẻ đã ăn phải kẹo lạ, cha mẹ nên theo dõi sát biểu hiện của con.
"Thông thường, nếu thực phẩm có vấn đề, trẻ sẽ có các phản ứng, triệu chứng biểu hiện sau 15 - 30 phút ăn. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện như đau bụng, buồn nôn, tiểu chảy, hoặc những biểu hiện kích thích, mệt mỏi, khó thở, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ xử lý", bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ cũng cảnh báo kẹo lạ có rất nhiều loại, không chỉ có nguy cơ gây ngộ độc mà nguy hiểm hơn còn có thể chứa các chất gây nghiện, điều này là cực kỳ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Theo ông Nguyên, trước đây trung tâm từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc do sử dụng ma túy dưới dạng thực phẩm như bánh, kẹo, nước giải khát...
Việc sử dụng thực phẩm chứa ma túy có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc tức thời như thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp... thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo vị bác sĩ, ngộ độc cần sa qua đường hít hay ăn uống có thể dẫn tới tình trạng giảm khả năng phối hợp động tác, giảm khả năng phán xét, gây ức chế thần kinh trung ương, rối loạn ý thức. Đặc biệt, trẻ em có thể bị hôn mê tới 36 giờ nếu sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt có chứa chất này.
“Ma túy tổng hợp tinh chất có giá thành cao, nhưng loại kẹo chứa ma túy thường được làm từ loại không tinh chất, giá thành rẻ. Mục đích của đối tượng xấu là lôi kéo học sinh sử dụng các loại bánh, kẹo, nước ngọt giá rẻ, sau đó dùng đến các sản phẩm đắt tiền hơn”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Mới đây, 11 học sinh trường THCS Nguyễn Quý Đức, Hà Nội (gồm 10 em lớp 6 và 1 em học lớp 7) trên đường đi đến trường mua loại kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. Khoảng 45 phút sau, các em mệt, đau đầu, buồn nôn.
Nhà trường phối hợp với trạm y tế phường đưa học sinh tới trạm y tế để khám và theo dõi. Hiện sức khỏe các em ổn định và đi học bình thường.
Trước thực trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã gửi văn bản yêu cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn thành phố tăng cường bảo đảm an toàn công tác trường học.
Sở đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, học sinh tuyệt đối không mua các loại kẹo, đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, phụ huynh học sinh cần để tâm tới lịch trình học tập, sinh hoạt tại trường của các con để phối hợp với nhà trường trường bảo đảm an ninh, an toàn.