Tin tức

Hơn 110 quốc gia tán thành tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030

Theo TTXVN 02/12/2023 16:07

Hơn 110 quốc gia kỳ vọng hội nghị COP28 sẽ là dịp để thông qua mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 1/12 cho biết hơn 110 quốc gia đã bày tỏ kỳ vọng Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ra tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) sẽ là dịp để thông qua mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng trên toàn thế giới vào năm 2030.

Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu mới này hồi đầu năm nay. Điều này sau đó đã lần lượt được chủ nhà COP28 là UAE, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đề cập.

Các báo cáo hiện nay cho thấy chỉ riêng các quốc gia G20 đã "đóng góp" gần 80% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo tại COP28, bà Von der Leyen nhấn mạnh "thật tuyệt vời" khi hơn 110 quốc gia đã tán thành mục tiêu nêu trên.

Theo bà, giờ đã tới lúc "đưa những mục tiêu này vào tuyên bố chung của COP, bởi điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới các nhà đầu tư, cũng như người tiêu dùng” trên toàn thế giới.

Các cuộc thảo luận về mục tiêu năng lượng tái tạo được tiến hành riêng biệt tại COP28, nhưng có liên quan đến việc liệu tuyên bố chung của COP28 có đạt được cam kết rằng các quốc gia sẽ giảm dần - hoặc loại bỏ dần - tất cả nhiên liệu hóa thạch hay không.

Hồi tháng 9 vừa qua, các quốc gia G20 cam kết “khuyến khích nỗ lực” hướng tới tăng gấp 3 lần năng lực sản xuất năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tuyên bố kết thúc hội nghị của họ vẫn "lặng thinh" về tương lai của nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân gây ra phần lớn lượng khí thải nhà kính.

Hiện tất cả các giải pháp đáng tin cậy để đạt được mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu vào giữa thế kỷ này đều phụ thuộc vào việc tăng quy mô lớn năng lượng gió, Mặt Trời, thủy điện và các năng lượng tái tạo khác như sinh khối, để thay thế nhu cầu về dầu, khí đốt và than đang "nung nóng" Trái Đất.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá đây là "đòn bẩy quan trọng nhất" để giảm ô nhiễm carbon do đốt nhiên liệu hóa thạch và hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở ngưỡng đầy tham vọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.

Các báo cáo mới nhất cho thấy thế giới đã đạt tiến bộ trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2022, sản lượng năng lượng tái tạo của toàn cầu tăng trung bình 11% mỗi năm.

Trong bối cảnh giá dầu tăng vọt và tình trạng mất an ninh năng lượng liên quan tình hình xung đột tại Ukraine, IEA dự báo mức tăng trưởng chưa từng có khoảng 30% vào năm 2023.

Không phải tất cả các quốc gia sẽ phải thực hiện những nỗ lực giống nhau để cắt giảm lượng khí thải. Trong 57 quốc gia mà tổ chức tư vấn chiến lược Ember tiến hành phân tích, có hơn 50% đang trên đà đạt hoặc vượt mục tiêu năm 2030. Tuy nhiên, các nước phát thải lớn như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và UAE vẫn còn nhiều điều cần cải thiện.

Theo TTXVN