Những nẻo phố mang tên văn nhân, thi sĩ
Ở TP Hải Dương ngày nay có những con đường mang tên những văn nghệ sĩ lừng danh sinh ra từ mảnh đất xứ Đông.
Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay
Nhiều người biết đến nhà thơ Thâm Tâm, song không chắc đã nhớ tên thật của ông là Nguyễn Tuấn Trình. Ở TP Hải Dương bây giờ có con phố ấy.
Phố Nguyễn Tuấn Trình được xây dựng trên đất của làng Phúc Duyên, trước năm 1945 vốn là một xã thuộc tổng Mỹ Xá (huyện Tứ Kỳ). Phố hình thành ngày 28/6/2004 theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, kéo dài từ phố Ngô Hoán đến Nguyễn Đổng Chi, cắt với phố Lý Tự Trọng và Lý Anh Tông. Phố Nguyễn Tuấn Trình chỉ dài vỏn vẹn 400 m nhưng là con phố đẹp và rợp mát cây xanh.
Nguyễn Tuấn Trình sinh ngày 12/5/1917, ở số nhà 69 phố Đông Môn (thị xã Hải Dương), nay là phố Phạm Hồng Thái, trong một gia đình nhà giáo nền nếp. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông nhập ngũ, là Thư ký tòa soạn Báo Vệ quốc quân (tiền thân Báo Quân đội Nhân dân ngày nay). Ngày 18/8/1950, ông mất đột ngột trên đường đi công tác trong Chiến dịch Biên giới và được đồng đội mai táng tại Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Yên (nay là huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng). Trước khi qua đời ở tuổi 33, nhà thơ đã có một người con trai, đó là ông Nguyễn Tuấn Khoa, hiện ở Hà Nội.
Theo tác giả Bùi Viết Tân trên tạp chí Văn nghệ kháng chiến (tháng 5/1951), nhân vật gây nguồn cảm hứng để Thâm Tâm sáng tác Tống biệt hành là Phạm Quang Hòa. Trước năm 1945, ông Hòa thoát ly gia đình, gạt bỏ mọi tình riêng lên chiến khu làm cách mạng. Bởi thế mới có: "Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không? Thì không bao giờ nói trở lại!", hay: "Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say...".
Những câu thơ da diết, khi bi tráng, lúc lại hoan ca của một người trai thời loạn ấy đã làm nên một Tống biệt hành sống mãi với thời gian, làm nên một Thâm Tâm nổi tiếng. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Có người đã thắc mắc: Nếu đặt tên phố là Thâm Tâm thì cả nước biết, chứ đặt là Nguyễn Tuấn Trình thì mấy người hay? Chỉ mong một lúc nào đó, ở phía đầu phố có một tảng đá lớn khắc tuyệt phẩm Tống biệt hành và tiểu sử của nhà thơ thì hay biết mấy!
Côn Sơn, Kiếp Bạc hiên ngang một vùng
Trong các cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc luôn có sự đồng hành của các văn nghệ sĩ. Mảnh đất xứ Đông đã đóng góp cho các chiến trường những người con như thế, mà tiêu biểu phải kể đến nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
Tên ông đã được đặt cho một con phố ở phía đông TP Hải Dương, từ ngày 28/6/2004. Phố Đỗ Nhuận là một con phố đẹp và yên tĩnh, rợp mát cây xanh. Phố thuộc phường Hải Tân, đi từ đường Lạc Long Quân đến phố Nguyễn Tuấn Trình, giao cắt với các phố: An Dương Vương, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Ngọc. Con phố này được xây dựng trên đất xưa của xã Phúc Duyên, tổng Thạch Khôi (huyện Gia Lộc), năm 1930 thì thuộc tổng Mỹ Xá của huyện Tứ Kỳ.
Đỗ Nhuận sinh năm 1922, ở xã Thái Học (Bình Giang), mất năm 1991 tại Hà Nội. Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Chiến thắng hạng nhì...
Đối với quê hương Hải Dương, Quê ta từ đất dấy lên là một sáng tác nổi tiếng ông dành tặng cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình: "Tiếng ai nhắn gửi sông Hồng/ Bài ca dâng nước tưới đồng đồng quê hương/ Anh đi thắm tình hậu phương nhớ Lục Đầu Giang/ Côn Sơn, Kiếp Bạc hiên ngang một vùng/ Đây đất Hải Hưng giữa lưng miền Bắc/ Nuôi quân đánh giặc ăn chắc mặc bền, quê ta từ đất dấy lên...".
Nhắc đến Đỗ Nhuận không thể không nhắc đến các sáng tác lừng danh của ông trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Đó là: Chiến thắng Điện Biên, Hành quân xa, Du kích ca, Du kích sông Thao... Đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên, được ví như một lời kết đẹp cho 9 năm kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hình ảnh các đoàn quân áo vải trùng trùng điệp điệp tiến đánh chiếm lĩnh các điểm cao và giương cao cờ chiến thắng Điện Biên lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu được khắc họa qua từng lời hát: "Xiết bao sướng vui nhìn đồng quê phơi phới/ Nông dân hăng hái khi chúng ta trở về/ Ruộng đất chúng ta đã về vui mừng đón chúng ta tiến về/ Chiến sĩ Điện Biên, thế giới đang đón mừng/ Chiến dịch đại thắng lợi góp sức xây dựng hòa bình...".
Hiện nay, tại quê nhà xã Thái Học, Nhà tưởng niệm nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được xây dựng, là nơi những người yêu âm nhạc của ông thường xuyên lui tới.
Ở bài viết này, chúng ta chỉ nhắc đến 2 văn nghệ sĩ đương đại là Thâm Tâm và Đỗ Nhuận. Đó là những người gần gũi đối với các thế hệ yêu thi ca ngày nay nhất. Thật khó mà viết được hết về những con người, những tuyến phố, những con đường mang tên văn nghệ sĩ, bởi ở TP Hải Dương bây giờ có rất nhiều tuyến phố, con đường như thế. Ví dụ như đồng hương của nhạc sĩ Đỗ Nhuận - nhà viết kịch Lộng Chương (1923 - 2023), cũng đã được đặt cho một con đường ở phường Cẩm Thượng. Điều thú vị là chỉ có Lộng Chương và Đỗ Nhuận là 2 văn nghệ sĩ của Hải Dương được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đến thời điểm này.
Cũng ở TP Hải Dương còn có những con đường mang tên những nhà thơ lớn, đã được tôn vinh là Danh nhân văn hóa thế giới, như Nguyễn Du. Hay đại thi hào, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi - người đã gắn bó Côn Sơn, với Hải Dương bằng các sáng tác: Côn Sơn ca, Ức trai thi tập, Bình ngô đại cáo... Hoặc như Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - một danh tướng lẫy lừng nhưng cũng là tác giả của những ánh văn bất hủ như: Hịch tướng sĩ, Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư...
TP Hải Dương dù đang cuộn trào trong dòng chảy phát triển kinh tế - xã hội, dù đâu đó vẫn còn những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh, song tổng thể, thành phố giống như một bức tranh sắp hoàn thành với các gam màu tươi sáng, hài hòa!