Tích góp từ những khoản tiền nhàn rỗi nhỏ
Chỉ với những khoản tiền nhàn rỗi nhỏ cũng có thể tích góp cho tương lai.
Không đợi đến khi có hàng trăm triệu đồng tiền nhàn rỗi, không ít khách hàng đã đăng ký sản phẩm gửi tiết kiệm linh hoạt từ nhiều ngân hàng để bắt đầu tích lũy chỉ từ vài trăm nghìn đồng. Xu hướng gửi tiền tiết kiệm tích lũy đang dần rõ nét.
Góp cho tương lai
Sau khi lập gia đình, cả hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Lan, sinh năm 1992 ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) chưa từng nghĩ đến việc sẽ gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Áp lực tài chính, sinh hoạt phí hằng ngày của cuộc sống gia đình hơn 7 năm qua khiến vợ chồng chị chưa đủ điều kiện dư dả để tích lũy. “Hơn một năm trước, tôi biết đến sản phẩm tiền gửi linh hoạt từ một ngân hàng trong tỉnh. Chỉ với tối thiểu 100.000 đồng mỗi tháng là đã có thể gửi tiết kiệm. Vợ chồng tôi đã đăng ký sử dụng sản phẩm này, như một hình thức đút lợn để trong vài năm nữa sẽ có một khoản nhỏ cho con cái”, chị Lan chia sẻ.
Có nhiều gửi nhiều, có ít gửi ít, sau hơn một năm tiết kiệm, vợ chồng chị Lan đã có 2 khoản tiết kiệm cho 2 con, mỗi khoản cũng lên đến gần chục triệu đồng, mức lãi suất bình quân 5%/năm cho kỳ hạn 60 tháng.
Cũng như chị Lan, chị Nguyễn Thu Hoài, sinh năm 1997 ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đã đến một ngân hàng trong tỉnh để đăng ký sản phẩm tiết kiệm tích lũy. Chị Hoài kinh doanh tự do nên thường có một khoản tiền nhàn rỗi nhất định. “Khoản tiền này không lớn nên nếu gửi tiết kiệm thông thường thì chẳng thấm vào đâu. Do đó tôi và chồng quyết định sẽ gửi tích lũy ngay từ bây giờ. Dù số tiền tiết kiệm sau này không phải số tiền lớn nhưng "tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn", cứ tích lũy dần dần thì trong vài năm nữa, khi con cái lớn chúng tôi sẽ có một khoản để trang trải tiền học hành. Hơn nữa tiền sẽ không bị im lìm trong ví”, chị Hoài nói.
Với mức lãi suất quanh mốc 4,5%/năm với kỳ hạn 48 tháng, vợ chồng chị Hoài quyết tâm mỗi tháng sẽ gửi tiết kiệm tối thiểu 300.000 đồng. Sau 4 năm nữa, số tiền gốc vợ chồng chị Hoài tiết kiệm sẽ khoảng 15 triệu đồng chưa kể tiền lãi.
Cũng với quan điểm tích tiểu thành đại, bà Nguyễn Thị Vượng đã ngoài 70 tuổi ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đang có khoản tiết kiệm hơn 15 triệu đồng ở một ngân hàng trong tỉnh. “Tôi có cháu đang học đại học, chỉ hơn 2 năm nữa sẽ ra trường. Tôi muốn dành dụm một khoản tiền nhỏ cho cháu, nhưng tích tiền mặt khó quản lý. Vì thế tôi đã lập một tài khoản tiền gửi tiết kiệm tích góp ở ngân hàng. Số tiền ấy dù không quá lớn nhưng sẽ góp thêm giúp cháu nội tôi có thêm điều kiện mua phương tiện đi lại để làm việc sau này”, bà Vượng chia sẻ.
Xu hướng mới
Ông Hoàng Văn Vinh, sinh năm 1964, ở phường Lê Thanh Nghị (TP Hải Dương) chia sẻ: “Hầu như ai cũng nghĩ khi đã gửi tiết kiệm là phải làm ăn dư dả, có một khoản tiền lớn. Gần đây tôi mới biết chỉ với 100.000 đồng cũng có thể gửi tiết kiệm. Với hình thức tiết kiệm này, tôi sẽ bỏ ống cho các cháu của tôi, vài năm sau tặng lại cho các cháu như một món quà nhỏ của ông bà”.
Chị Cao Thu Thảo, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân Sacombank Hải Dương cho rằng sản phẩm tiết kiệm tích lũy mà các ngân hàng đang triển khai là một cách để quản lý tiền nhàn rỗi hiệu quả. “Với giới trẻ, nhất là những tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, tiết kiệm tích lũy có thể coi là công cụ quản lý tài chính. Thay vì đút lợn như không ít người từng làm ngày bé, nay chúng ta gửi vào ngân hàng. Với người già, hình thức tiết kiệm này cũng là một cách để quan tâm con cháu”, chị Thảo nói.
Hiện có hơn 2.500 khách hàng, chủ yếu là người trẻ tuổi đang sử dụng các sản phẩm tiết kiệm tích lũy của ngân hàng này, tỷ lệ tăng trưởng về số tiền gửi mỗi tháng hơn 20%. Tại BIDV Thành Đông, lượng khách hàng sử dụng sản phẩm tiết kiệm tích lũy tính đến ngày 29/11 tăng hơn 70% so với cuối năm 2022.
Ông Phạm Hải Hà, Phó Giám đốc BIDV Thành Đông nhận định sản phẩm tiết kiệm tích lũy sẽ trở thành xu hướng trong thói quen tiêu dùng thông minh của người dân ngày nay. “Đối với chi tiêu, thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở nên phổ biến cả ở thành phố và vùng nông thôn. Ngược lại, đối với tiết kiệm, của để dành từ số tiền một vài trăm nghìn sẽ trở nên phổ biến hơn bởi ai cũng muốn có một khoản tích lũy nào đó cho tương lai”, ông Hà cho biết.
Tuy nhiên, một phần vì tâm lý e ngại khi đến ngân hàng nhưng chỉ gửi tiết kiệm có vài trăm nghìn đồng, một phần khác vì những sản phẩm này chưa nhiều người biết đến. Ngoài ra, mức lãi suất của hình thức gửi tiết kiệm tích lũy này còn thấp so với hình thức tiết kiệm thông thường. Vì vậy chưa nhiều người quan tâm tới hình thức tiết kiệm này.
Dù mức tiền huy động từ các sản phẩm tiết kiệm tích lũy không cao, song đây cũng là sản phẩm có tính ưu việt nhất định. Đặc biệt còn có ý nghĩa nhân văn khi tạo thói quen chi tiêu tiết kiệm để chuẩn bị cho tương lai. Thiết nghĩ, các ngân hàng nên đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về những sản phẩm tiết kiệm cho tương lai này.