Kính viễn vọng của Trung Quốc phát hiện 2 tiểu hành tinh mới
Kính viễn vọng Khảo sát trường rộng (WFST) của Trung Quốc có khả năng khảo sát toàn bộ bầu trời từ Bắc bán cầu đã phát hiện 2 tiểu hành tinh hoạt động gần Trái đất.
Hai thiên thể này được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 18/11 và được Trung tâm Tiểu hành tinh thuộc Liên minh Thiên văn quốc tế đặt tên là 2023 WX1 và 2023 WB2. Đây là những tiểu hành tinh gần Trái đất đầu tiên được phát hiện qua WFST.
Theo các nhà thiên văn học, độ sáng biểu kiến của 2 tiểu hành tinh tại thời điểm phát hiện lần lượt là 20,8 độ và 21,0 độ, tốc độ chuyển động biểu kiến lần lượt là 0,513 độ/ngày và 1,006 độ/ngày.
Sau khi thu thập dữ liệu từ nhiều đài quan sát, các nhà khoa học đã xác định được quỹ đạo ban đầu của 2023 WX1 và 2023 WB2, lần lượt là các tiểu hành tinh gần Trái đất loại Apollo và Amor. Với đường kính ước tính 170m, 2023 WX1 được phân loại là tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm do có “khoảng cách giao nhau quỹ đạo tối thiểu của Trái đất là 0,0416 đơn vị thiên văn”, tương đương 6,22 triệu km.
Với đường kính 2,5m, kính viễn vọng WFST hiện là cơ sở khảo sát miền thời gian (time domain) lớn nhất ở Bắc bán cầu. WFST do Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và Đài thiên văn Tử Sơn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc phát triển và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 9 vừa qua.
Kính viễn vọng này có thể giúp các nhà khoa học theo dõi những sự kiện thiên văn liên quan đến sự chuyển động của các hành tinh và thực hiện nghiên cứu quan sát thiên văn. Một trong những mục tiêu nghiên cứu chính của WFST là khảo sát các vật thể trong hệ Mặt trời.