Những cán bộ "hai vai"
Chính trị - Pháp luật - Ngày đăng : 07:00, 02/12/2023
Trình độ của đội ngũ Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư ở Hải Dương chưa cao, việc trẻ hóa gặp nhiều khó khăn...trong khi áp lực công việc ngày càng lớn. Những giải pháp nào để nâng cao chất lượng đội ngũ được coi là cán bộ "chân tre" này?
Trăm dâu đổ đầu tằm
Huyện Cẩm Giàng có khá nhiều thôn lớn như thôn Văn Thai (xã Cẩm Văn), thôn Quý Dương (xã Tân Trường), thôn Phú Lộc (xã Cẩm Vũ)… Thôn Phú Lộc hiện có 1.328 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu. Đây là một trong những thôn có số dân số đông nhất tỉnh và gấp đôi các thôn khác trong xã. Trước đây, thôn Phú Lộc có 3 phó trưởng thôn. Từ khi thực hiện Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND, ngày 25/7/2020 của HĐND tỉnh khóa XVI về chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức bồi dưỡng và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, khu dân cư; khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, ở thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hải Dương, thôn Phú Lộc chỉ có 1 phó trưởng thôn. Thôn Phú Lộc có hơn nửa số hộ dân kinh doanh, buôn bán nên phát sinh nhiều vấn đề về vệ sinh môi trường, vi phạm hành lang an toàn giao thông.
Từng làm Trưởng thôn lâu năm nhưng từ khi đồng thời là Bí thư chi bộ, ông Hoàng Văn Vang, năm nay 64 tuổi thường xuyên cảm thấy quá tải trong công việc. Cùng với công tác Đảng, hầu hết các công việc trong thôn ông Vang đều phải trực tiếp làm. “Tôi gần như không có thời gian để lo công việc của gia đình. Dù có phó trưởng thôn nhưng mọi việc, từ cống rãnh thoát nước bị ách tắc, rác không thu gom kịp thời hay có vi phạm đất đai thì người dân đều gọi điện cho trưởng thôn”, ông Vang chia sẻ.
Là phường ven đô của TP Hải Dương, khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng có khoảng 80% số hộ dân trong tổng số hơn 1.150 hộ vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp. Theo đồng chí Đinh Văn Xuân, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Khánh Hội thì khối lượng công việc ở đây nhiều hơn gấp 2-3 lần so với các khu dân cư nội thị vì còn quản lý, điều hành các công việc liên quan đến đồng áng. So với các thôn thì công việc ở khu dân cư cũng nhiều hơn vì còn tham gia quản lý trật tự đô thị, xây dựng… Thống kê cho chúng tôi xem một loạt dài công việc thường xuyên phải trực tiếp giải quyết, đồng chí Đinh Văn Xuân chia sẻ: “Nói là khu dân cư nhưng các việc nông nghiệp đều đủ cả như diệt chuột, nạo vét kênh mương, phòng dịch cho gia súc, gia cầm… Tất cả công việc từ nhỏ nhất như người dân đánh cãi nhau, đám hiếu và bất kể ngày đêm, khi người dân có việc gọi là mình phải có mặt để giải quyết”, đồng chí Xuân cho biết thêm.
Tuổi cao, trình độ chưa cao
Hải Dương và các địa phương trong tỉnh chưa có thống kê, báo cáo đầy đủ thực trạng, nhất là về độ tuổi, trình độ của đội ngũ Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng các thôn, khu dân cư trong tỉnh.
Theo tìm hiểu tại huyện Gia Lộc, hiện trong tổng số 106 đồng chí Bí thư chi bộ trong huyện (hầu hết đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư) có 73 người (chiếm gần 70%) không có trình độ chuyên môn, 52 người (chiếm gần 50%) mới tốt nghiệp THCS. Trong huyện Gia Lộc hiện có 12 đồng chí Bí thư chi bộ quá 65 tuổi.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Gia Lộc cho biết: “Hiện yêu cầu công việc ở cấp cơ sở ngày càng cao và nhiều hơn. Các đồng chí lớn tuổi có ưu điểm là tâm huyết, trách nhiệm nhưng cũng có những hạn chế như không nhanh nhạy, linh hoạt bằng người trẻ. Ví dụ cụ thể nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Tổ Công nghệ số cộng đồng hiện nay và trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua. Các đồng chí cao tuổi sẽ rất khó tiếp cận, làm tốt được việc này và vẫn phải cần người khác hỗ trợ nhiều”.
Tình trạng Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư tuổi cao, trình độ chưa cao cũng là thực trạng chung ở các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Cẩm Giàng hiện có khoảng 30% số Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn có trình độ tốt nghiệp THCS. Số người trên 65 tuổi cũng không phải cá biệt ở các xã.
Tại thị xã Kinh Môn, phần lớn các Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư trên 50 tuổi và có khoảng 10% trong tổng số Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư ở thị xã trên 65 tuổi. Tại TP Hải Dương, hiện chưa có thống kê riêng nhưng theo tổng hợp kết quả Đại hội Chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025, trong tổng số 1.241 chi ủy viên các chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, phường có gần 25% số người trên 60 tuổi, hơn 12% số người trên 66 tuổi. Tại huyện Ninh Giang, Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư có trình độ đại học cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Để thạc sĩ làm trưởng thôn
Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành khoa học quản lý đất đai, anh Hoàng Gia Lực, sinh năm 1992 ở thôn Xạ Sơn, xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn) về quê sinh sống, làm việc và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương (anh Lực cũng đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành Luật Kinh tế). Cuối năm 2021, anh Lực được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Xạ Sơn. Theo đánh giá của lãnh đạo xã Quang Thành, từ khi anh Lực đảm nhiệm chức danh trên, nhiều công việc ở thôn có sự đổi mới, tích cực hơn. Trong 2 năm qua, thôn Xạ Sơn đã huy động được hơn 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng, cải tạo các công trình công cộng. Nhiều vấn đề tồn tại trong thu chi công quỹ, tổ chức sản xuất nông nghiệp ở thôn đã được giải quyết.
Hiện nay, cùng với điều hành công việc trực tiếp, anh Lực còn lập nhiều nhóm Zalo để thông tin, điều hành công việc kịp thời hơn. Trang Facebook cá nhân của anh Lực và Fanpage của thôn Xạ Sơn có hàng nghìn lượt theo dõi cũng là kênh thông tin quan trọng để người dân địa phương, con em xa quê cập nhật tình hình, các hoạt động của thôn và tạo sự gắn kết mọi người. Thiết kế đồ họa vừa là công việc làm thêm của anh Lực, vừa giúp anh phục vụ việc chung mỗi khi thôn có chương trình, sự kiện.
Theo anh Hoàng Gia Lực, cùng với tình yêu quê hương thì việc luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cũng là động lực quan trọng để anh gắn bó với công việc. "Từ khi còn hoạt động Đoàn, tôi được được lãnh đạo xã cử đi học các lớp, rồi tập huấn để nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng. Hiệu quả công việc tôi đạt được một phần là do sự quan tâm, đồng hành của cấp ủy, chính quyền, các chi hội đoàn thể và các cụ cao niên trong làng, nhất là khi công việc gặp khó khăn cần tháo gỡ", anh Lực chia sẻ thêm.
Đâu là giải pháp?
Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 902 thôn, 439 khu dân cư, trong đó 94,75% số thôn, khu dân cư có Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư. UBND tỉnh đang xây dựng tờ trình về việc quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp, mức hỗ trợ và khoán kinh phí hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, ở thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh (để thay thế Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND).
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, việc xây dựng tờ trình đang được thực hiện rất khẩn trương để kịp trình HĐND tỉnh xem xét vào kỳ họp cuối năm 2023. So với Nghị quyết 05/2020/NQ-HĐND, ngày 25/7/2020 của HĐND tỉnh khóa XVI, nếu được HĐND tỉnh thông qua, chế độ của người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, khu dân cư có nhiều thay đổi theo hướng nâng cao hơn. Cùng với tăng mức phục cấp, các Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư sẽ được hưởng 100% phụ cấp chức danh kiêm nhiệm (hiện là 75%). Các Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng khu dân cư ở các khu dân cư từ 500 hộ gia đình trở lên và thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên chuyển thành khu dân cư do thành lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã cũng sẽ được hưởng mức phụ cấp bằng với các chức danh này ở các thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên...
Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đội ngũ Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư cần có thêm những giải pháp sát sườn, phù hợp từng trường hợp cụ thể hơn nữa. Điển hình như với các thôn, khu dân cư có quy mô số hộ gia đình lớn, 1.000 hộ trở lên, việc một người làm Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu dân cư sẽ rất áp lực. Nhiều ý kiến ở cơ sở cho rằng đối với những thôn, khu dân cư quy mô dân số lớn, tỉnh có thể xem xét cho phép bố trí thêm phó trưởng thôn hoặc thực hiện Bí thư chi bộ đồng thời là Trưởng ban công tác Mặt trận, không kiêm nhiệm trưởng thôn, khu dân cư. Việc quy định mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia công việc ở thôn lớn cũng cần thực hiện sát với quy mô số gia đình (hiện chỉ quy định mức chung thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên).
Để thu hút những người có trình độ, năng lực tham gia công tác, đồng thời tạo động lực cho những người hoạt động không chuyên trách tự nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng cao ở cơ sở, việc có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể như nâng mức phụ cấp cho người có trình độ đại học; hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian công tác; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng... cũng cần nghiên cứu, xem xét thấu đáo trong thời gian tới.
Nội dung: HOÀNG BIÊN
Trình bày: PHÙNG BẢN