Văn hóa - Giải trí

Giới thiệu văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử

Theo TTXVN 30/11/2023 10:28

Ngày 29/11, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức trưng bày chuyên đề “Văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử”. Hoạt động này kéo dài đến hết ngày 25/12 tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Chú thích ảnh
Bảo vật Quốc gia tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại không gian trưng bày

Trưng bày gồm hai không gian chính. Không gian thứ nhất trưng bày gần 200 tư liệu, hình ảnh, biểu đồ, tài liệu, hiện vật. Khu trưng bày có những hiện vật là bảo vật quốc gia thuộc văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử như: Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Ngoài ra, khu trưng bày còn giới thiệu, quảng bá hình ảnh các giá trị đặc trưng của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc; giới thiệu tiêu chí lựa chọn xây dựng hồ sơ đề cử di sản “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc”.

Chú thích ảnh
Đồ gốm thời nhà Trần tại không gian trưng bày

Ở không gian thứ hai là hoạt động trải nghiệm ý nghĩa về văn hóa in, dập mộc bản trên giấy dó. Các đại biểu, du khách, học sinh đã có những trải nghiệm thú vị về việc in, dập mộc bản. Đây là hình thức lưu giữ văn hóa và truyền bá tri thức có từ lâu đời.

Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh chia sẻ, điểm nhấn của khu trưng bày là các hiện vật, tài liệu minh chứng khác biệt của một nền văn hóa vẫn đang tồn tại. Khu trưng bày còn là ví dụ nổi bật về truyền thống định cư, sử dụng đất hoặc biển đảo đại diện cho nền văn hóa hoặc sự tương tác của con người với môi trường, tạo nên nền văn hóa đặc sắc, bền lâu.

Chú thích ảnh
Học sinh cùng trải nghiệm in, dập mộc bản trên giấy dó

Em Nguyễn Hà My, học sinh lớp 10A9, Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông Lê Thánh Tông, thành phố Hạ Long chia sẻ, đến với không gian trưng bày em cảm thấy rất ý nghĩa. Thông qua trưng bày, em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa nhà Trần và Phật giáo Yên Tử. Qua đó em hiểu được văn hóa nhà Trần không chỉ bó hẹp trong không gian tỉnh Quảng Ninh và còn trải dài ở một số tỉnh, thành phố khác, lan rộng ra cả nước, thế giới. Em cũng được trải nghiệm không gian văn hóa thực tế rất ý nghĩa. Em sẽ kể lại cho các bạn khác cùng nghe và mong có nhiều hơn nữa những buổi dã ngoại, thực tế về vùng đất văn hóa nhà Trần, Phật giáo Yên Tử.

Chú thích ảnh
Các đại biểu và học sinh tại không gian trưng bày.

Theo Ban tổ chức, chuyên đề lần này phần nào làm sáng rõ giá trị lịch sử, văn hóa nhà Trần, tư tưởng và các di sản của đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông nói riêng trong hệ thống các giá trị lịch sử nhà Trần, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Theo TTXVN