Đời sống

Hành trình trở về đẫm nước mắt của "gã lang thang"

PHONG TUYẾT 03/12/2023 14:00

Chẳng ai muốn cắt xén đau đớn nếu thứ họ cần đã hoàn hảo. Gã cúi xuống nhìn khuôn ngực mình, hai hàng nước mắt chảy ra…

z4921173606213_14148529006e2053c7c366e7759d4fb7(1).jpg
Như hoa nở trên đá, gã lang thang Linh Hải Dương đã làm chú rể trong đám cưới cổ tích của mình. Trong ảnh: Ảnh cưới cặp đôi chụp tại Hà Giang vào tháng 10/2020

Đó là cảm xúc của Linh Hải Dương, hay còn được gọi là "gã lang thang" khi vừa tỉnh thuốc mê trên băng ca sau khi một mình trải qua cuộc phẫu thuật ở Thái Lan để được là chính mình.

Thôi thúc phải trở về

Hoàng Thị Linh, sinh năm 1995 ở thôn Vân Dương, xã Kim Khê, huyện Kim Thành (Hải Dương) trong một gia đình có 3 người con đủ nếp, tẻ. Tôi trò chuyện, gọi “anh Linh” khi anh đã viên mãn “trở về”, có một gia đình nhỏ sau hành trình đầy nhọc nhằn. Anh Linh Hải Dương tự hào tên thật là Linh, đến từ Hải Dương. Anh còn có biệt danh là "gã lang thang" vì những chuyến đi xê dịch từ năm 2014, từ Bắc vào Nam.

Gặp "gã lang thang" khi anh vừa trở về sau nhiều hành trình gian nan, anh nói: “Bây giờ anh chỉ muốn sống cuộc sống bình thường thôi”.

z4921453322622_9a0b1e0b0273028b396c2d4d0ae87bbd(1).jpg
Linh Hải Dương (bên phải) có hạnh phúc viên mãn bên gia đình nhỏ của mình sau hành trình đầy gian nan

Suốt hành trình “come out”, tức công khai tính dục của mình, "gã lang thang" đối mặt với những cuộc chiến bằng lời nói và nước mắt diễn ra hằng đêm trong căn nhà của gã. Từ thuở ấu thơ, Linh đã có những sở thích khác lạ. Tuổi học trò, Linh cũng từng có người yêu và điều đó đến giờ vẫn làm anh day dứt. Cho đến khi lên đại học, anh mới biết mình là ai và có nhu cầu chuyển giới.

Từng nhiều lần muốn chết vì không chịu được áp lực, mỗi ngày, Linh cũng chết dần đi vì những cuộc gọi, tin nhắn của gia đình, người thân buộc tội anh bất hiếu, ích kỷ, bôi tro trát trấu vào mặt và bắt phải lấy chồng, đẻ con như những cô gái bình thường. Không dám về nhà một thời gian dài, có lúc nhớ bố mẹ đến quặn lòng mà cũng chỉ đứng nhìn từ xa rồi quệt vội nước mắt để lại lao vào đời.

Suốt mấy năm, gã gò chặt mình trong chiếc áo nịt ngực, mệt mỏi vì những nhịp thở bất thường. Anh đớn đau vì phải ép cơ thể trong chiếc áo bó ba lỗ. Mùa hè, anh càng bức bối với cơ thể mình. Mỗi sáng thức dậy, anh mơ hồ với một cơ thể khác với phần hồn của mình. Sự bức bối lên đến đỉnh điểm cũng là lúc thúc giục anh phải cố gắng để “trở về” sớm nhất có thể.

Viên mãn sau những đớn đau

Và rồi, Linh đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật một mình ở Thái Lan. Cùng với đau đớn phải trải qua là cả những ngày chỉ ngủ bốn tiếng vì làm thêm, những bữa cơm vương mùi thiu, những miếng thịt kho đọng dày lớp muối trắng, những chuyến tự đi xe máy về Thanh Hà lấy ổi lên thủ đô bán chỉ để lãi chục nghìn... Anh từng bật khóc vì thương phận đời lắm rối ren của mình.

z4921456055845_8ccdb2dbe17734c75c5316c9072e95b4(1).jpg
Cuốn tự truyện "Gã lang thang và những câu chuyện đời" mang đến nhiều cảm xúc, sự đồng cảm nơi bạn đọc

Những cuộc phẫu thuật giúp Linh có hình hài như hôm nay và để duy trì con người này, anh cần những mũi tiêm hormone đều đặn. Tiêm thuốc giúp anh là một người đàn ông, không còn khó chịu mỗi tháng một lần như phụ nữ. Tiêm thuốc cũng làm anh giảm tuổi thọ, suy giảm trí nhớ, sức khỏe giảm sút và nỗi đau hiện hữu trước mắt là đau sau tiêm, buốt nhất khi mùa lạnh.

Có lúc, anh lang thang ước mình sinh ra không lệch lạc thì cuộc sống đã không nhiều nỗi đớn đau. Nhưng nhờ kiên trì đi qua những đớn đau ấy, Linh cũng dã trở về, hạnh phúc vì có gia đình lớn, nhỏ ở bên và họ đã chấp nhận con người thật của minh.

Gã lang thang và những câu chuyện đời

Tiêu đề trên cũng là tựa của cuốn tự truyện của Linh Hải Dương. Những tháng ngày đáng nhớ trong hành trình trở về ở trên được anh kể lại chân thực trong “Gã lang thang và những câu chuyện đời” cùng nhiều câu chuyện khác.

“Từ khi can thiệp hormone 21 ngày/mũi, trí nhớ của tôi không còn tốt. Cuốn sách ghi lại một phần cuộc đời tôi và câu chuyện cuộc đời những người khác. Tất cả đều thật với những nhân vật tôi gặp trong thời gian làm tour, đưa họ đi lang thang và nghe họ kể. Nó cho tôi rất nhiều động lực. Có người như bị cuộc sống nhấn chìm nhưng họ vẫn cố ngoi lên để chống chọi. Từ đó, tôi từ bỏ ý nghĩ sẽ tự kết thúc cuộc đời mỗi khi bế tắc”, gã lang thang tâm sự.

z4920944452444_5cc548de0c4db70bd86534bf9bac0a86(1).jpg
"Gã lang thang" trên đường Ngawal đến Manang (Nepal)

Cuốn sách này cũng ra đời sau khi "gã lang thang" có Hà Giang, con gái của anh và vợ nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Anh mong cuốn sách như một tấm giấy khai sinh xuất hiện cùng con gái bởi về pháp lý, anh không có ràng buộc gì với cô con gái nhỏ mà anh rất yêu thương. Anh tự tạo ra sự công nhận bằng cách của riêng mình.

“Bây giờ, sau 5 năm phẫu thuật và hoàn thiện bản thân hơn, tôi cảm thấy tự tin hơn, có thể do xã hội cởi mở hơn. Trong hành trình trở về với bản dạng giới tính mong muốn của mình, thứ tôi mất nhiều nhất là thời gian để cân bằng cuộc sống nhưng cũng là cái được vì người thực sự giàu có ở cuộc đời này là người giàu trải nghiệm. Trải nghiệm này không phải ai cũng có được, kể cả những người đi lạc trên hành trình mang tên số phận giống tôi”, anh nhìn lại.

Sau này, "gã lang thang" vẫn muốn lang thang. 2 năm gần đây, mỗi năm anh lang thang 2 tháng ở Nepal và Ấn Độ. Khi chinh phục núi tuyết mênh mông, anh thấy hành trình này tương đồng với hành trình "trở về" của mình vì đều gian nan, vất vả, đơn độc, nguy hiểm. Khi chinh phục được, anh vỡ oà trong hạnh phúc và bài học về sự kiên trì. Trong chuyến đi 61 ngày vừa qua, Linh đã đặt chân đến hồ Tilicho (Nepal), hồ cao nhất hành tinh gần 5.000 m so với mặt nước biển. Thông điệp về sự tích cực, kiên trì cũng được thể hiện xuyên suốt cuốn sách của "gã lang thang".

Hiện nay, "gã lang thang" vừa bắt đầu học thạc sĩ tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Anh đang cố gắng để dừng chân ở Đà Lạt với mảnh vườn trồng cà phê, sầu riêng, bơ và ngôi nhà bình yên bên gia đình nhỏ.

PHONG TUYẾT