Kinh tế

Cống Sồi mang nguồn rươi mới

NGUYỄN MƠ - THÀNH CHUNG - HÀ KIÊN 30/11/2023 06:30

Cống Sồi đã nhân lên niềm vui, thỏa mong chờ đối với những nông dân luôn ấp ủ nông nghiệp xanh, khi con rươi được "nuôi dưỡng" cả trong đồng.

bhd_anhcover_in.jpg

Từ khi cống Sồi mới được xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng thì ở vùng đất An Thanh (Tứ Kỳ), con rươi không chỉ là đặc trưng của dải đất bãi ven sông Thái Bình mà đã được “nuôi dưỡng” cả trong đồng.

Đón rươi vào đồng

Nắng hanh hao phủ vàng mặt ruộng xâm xấp nước khiến ai mới tới xã An Thanh lần đầu sẽ thấy lạ lẫm vì theo lịch mùa vụ, thời gian đầu đông không phải lúc gieo cấy.

Tìm hiểu kỹ hơn mới biết 3 năm nay, nông dân nơi đây đã đưa con rươi vào trú ngụ phía trong đồng. Do đó, cần phải điều tiết nước ra, nước vào liên tục để khai thác nguồn lợi mang giá trị kinh tế cao từ tự nhiên này. Có được thành quả ngỡ như kỳ tích này là do nỗ lực, quyết tâm của người dân và các cấp chính quyền khi xây dựng cống Sồi mới.

Vùng đất An Thanh nằm ở hạ lưu sông Thái Bình nên được ưu đãi đặc sản con rươi, con cáy. Nhưng nhiều năm qua, nông dân chỉ khai thác rươi, cáy tự nhiên ngoài bãi sông, còn ở trong đồng vẫn cấy lúa hai vụ. Vốn là nơi giao tranh giữa nguồn nước mặn và ngọt, nhiều thời điểm xảy ra xâm nhập mặn nên hiệu quả từ cấy lúa không cao.

Chỉ cách một bờ đê mà tạo ra bức tranh tương phản, phía ngoài là nguồn thu lớn từ rươi, cáy và lúa hữu cơ, còn bên trong đồng vẫn gieo cấy bấp bênh. Vì thế nhiều năm qua, nông dân An Thanh luôn trăn trở tìm cách để đưa con rươi vào đồng. Ước mong bấy lâu cũng thành hiện thực khi cuối năm 2020, cống Sồi được xây dựng, dẫn nước lợ vào trong đồng, đem theo cả con rươi, con cáy.

Dù không phải thời điểm con triều lên để dẫn nước vào khai thác rươi nhưng ông Phạm Thanh Miết ở thôn Thanh Kỳ vẫn tất bật với 7 sào ruộng mới cải tạo để con rươi sinh sống, trú ngụ.

Ông tỉ mỉ kiểm tra khu vực cống, bờ ruộng xem có rò rỉ không, đất trong ruộng đã đạt độ tơi xốp chưa để có biện pháp xử lý. Bấm đốt ngón tay, ông nhẩm tính rồi khoe: “Mới có 3 năm cải tạo ruộng mà lượng rươi trong đồng đã ngót nghét ngoài bãi. Nước rươi vừa rồi tôi thu được 30 kg rươi/sào. Mừng không thể tả! Trước cấy lúa chỉ mong đủ ăn, giờ khai thác rươi không những có của ăn mà còn của để”.

thiet-ke-chua-co-ten.jpg
Dù người dân mới khai thác rươi trong đồng nhưng hiệu quả cao gấp nhiều lần cấy lúa

Hướng mắt về phía cống Sồi kiên cố, to đẹp, ông Miết kể ngày xưa cống bé, hẹp, điều tiết nước phục vụ sản xuất không hiệu quả nên những năm 80 của thế kỷ trước cống đã bị lấp lại nhằm bảo đảm phòng chống lụt bão.

Trước kia, dù cống bé song khi dẫn nước vào ruộng, xắn đất lên vẫn thấy có rươi, cáy vẫn bò lổm ngổm trên mặt ruộng. Người dân lại lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu hoá học nên con rươi, con cáy trong đồng mất dần.

Hiện tại đã khác, khi cống Sồi được xây mới, người dân cũng cải tạo diện tích trong đồng, canh tác lúa một vụ theo hướng hữu cơ. Mới chỉ vọn vẹn 3 năm, rươi, cáy đã xuất hiện ở trong đồng khiến ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.

1(1).jpg

Đối với ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh, cái ngày đầu tiên cống Sồi mới đưa nước vào đồng chính là khởi đầu cho những ước mong, khát vọng xây dựng nền nông nghiệp xanh của địa phương dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn.

Những năm qua, nông dân An Thanh đã có ý thức về việc sản xuất hữu cơ nhưng mới chỉ ở khu vực ngoài bãi sông. Còn phía trong đồng, dù hy vọng song mọi người vẫn còn hoài nghi liệu con rươi, con cáy có quay trở lại? Vụ rươi trong đồng năm nay là câu trả lời thuyết phục nhất và củng cố thêm niềm tin cho nông dân về sản xuất sạch.

thiet-ke-chua-co-ten-2.jpg
Sau 3 năm cải tạo, sản lượng rươi trong đồng ở xã An Thanh đã khá cao

Hiện xã An Thanh có 150 ha đất trong đồng được chuyển đổi sang cấy lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy tự nhiên. Chỉ sau 3 năm cải tạo, nông dân đã thu từ 4-5 tạ rươi/ha, 1 tạ cáy/ha, lãi từ 100-130 triệu đồng/ha/năm.

Dự kiến chỉ sau từ 5-6 năm cải tạo, sản lượng rươi, cáy trong đồng sẽ tương đương ngoài bãi. Ông Luận khẳng định: “Lâu lắm rồi, con rươi, con cáy mới có ở trong đồng mà lại xuất hiện nhiều đến vậy. Chỉ có canh tác hữu cơ, vừa khai thác, vừa bảo tồn mới có thể mang lại nguồn lợi bền vững, lâu dài trong sản xuất nông nghiệp”.

2(2).jpg

Định hướng lâu dài

Đối với nông dân xã An Thanh, giờ đây sản xuất hữu cơ là yếu tố sống còn đem đến cuộc sống khấm khá, sung túc. Vì thế ai cũng mong muốn duy trì và phát huy những giá trị từ mô hình này, không những vì hiệu quả kinh tế mà còn là trách nhiệm với môi trường sống.

Do đó, từ điểm tựa canh tác hữu cơ, tại xã An Thanh cũng đang dần hình thành vùng nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch. Khu cống Sồi được người dân cải tạo trồng hoa, cây xanh và đặt ghế đá xung quanh. Những bờ vùng, bờ thửa trên đồng ruộng hay vệ đường cũng được trồng dừa, mít, chuối.

Địa phương còn cải tạo, nâng cấp tuyến đường trục xã nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân cũng như du khách.

Từ gạo hữu cơ, con rươi, con cáy đơn thuần, nông dân An Thanh đã nâng tầm thành sản phẩm OCOP, từng bước xây dựng vị thế, thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản của địa phương. Rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi, mắm rươi, rươi đốt... đến tay người tiêu dùng với bao bì, mẫu mã bắt mắt.

Khi địa phương khai thác, phát triển du lịch sinh thái, đây chính là những sản phẩm du lịch từ nông nghiệp đặc sắc, độc đáo để thu hút người dân, du khách. Ông Hoàng Tuấn Nhã, Chủ tịch UBND xã An Thanh cho biết: “Theo đuổi phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm là mong mỏi, nguyện vọng của chính quyền và người dân địa phương. Đây là xu thế tất yếu, vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, vừa làm thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng phương thức sản xuất phù hợp”.

3(2).jpg

Xuất phát từ điều kiện thực tế địa phương, nguyện vọng của người dân, huyện Tứ Kỳ đã xây dựng và tích cực triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bảo đảm vệ sinh thực phẩm, gắn kết thị trường tiêu thụ giai đoạn 2021-2025”.

Huyện kỳ vọng sẽ tạo được đột phá trong sản xuất nông nghiệp xanh, phục vụ cộng đồng xã hội. Dự kiến đến hết năm 2025, huyện Tứ Kỳ sẽ có 294 ha khai thác rươi, cáy trong đồng, nâng tổng số diện tích bảo tồn, khai thác rươi cáy toàn huyện lên 625 ha. Bà Vũ Thị Hà, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết thành công đưa con rươi vào đồng đã thôi thúc nông dân xã An Thanh nói riêng và các địa phương của huyện thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

nho-co-cong-soi-ma-con-ruoi-con-cay-da-xuat-hien-tro-lai-o-trong-dong-2.jpg

Từ yêu cầu thực tế này, huyện đã có những chỉ đạo sâu sát, hướng dẫn cụ thể kỹ thuật canh tác, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời hoạch định lộ trình phát triển nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái phù hợp để người dân không chỉ khai thác hiệu quả kinh tế hữu hình mà còn gây dựng được những giá trị vô hình từ sản xuất sạch.

Nội dung: NGUYỄN MƠ

Ảnh: THÀNH CHUNG

Đồ họa: HÀ KIÊN

NGUYỄN MƠ - THÀNH CHUNG - HÀ KIÊN