CPI tháng 11 tăng 3,46% do giá gạo và một số dịch vụ thiết yếu đi lên
Về rổ hàng hóa, dịch vụ chính, trong 8/11 nhóm hàng ghi nhận đã tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm hàng giảm giá và riêng nhóm thiết bị-đồ dùng gia đình không biến động.
Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,25% so với tháng Mười.
Đây là thông tin được bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chỉ ra. Như vậy, CPI tháng 11 đã tăng 3,46% so với tháng 12/2022 và tăng 3,45%so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
Từ báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội tháng này, so với tháng trước, CPI tại khu vực thành thị đã tăng 0,19% trong khi khu vực nông thôn tăng 0,3%.
Về rổ hàng hóa, dịch vụ chính, trong 8/11 nhóm hàng ghi nhận đã tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm hàng giảm giá và riêng nhóm thiết bị-đồ dùng gia đình không biến động.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 11 tăng 0,1% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 2,31%, tác động tăng 0,08 điểm phần trăm. Thực phẩm giảm 0,32%, tác động giảm 0,07 điểm phần trăm và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,2%, tác động tăng 0,02 điểm phần trăm.
Trong nhóm lương thực, chỉ số giá nhóm gạo tăng 3,16% (gạo tẻ thường tăng 3,45%; gạo tẻ ngon tăng 2,45% và gạo nếp tăng 1,32%).
Bà Oanh chia sẻ giá gạo trong nước tăng theo giá xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia, khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, giá thực phẩm tháng đã giảm 0,32% so với tháng Mười, chủ yếu do giá thịt lợn giảm 1,57%, tác động làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm.
“Giá thịt lợn giảm do dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phVềương khiến người chăn nuôi bán tháo chạy dịch trong khi nhu cầu của tiêu dùng của người dân không cao,” bà Oanh cho hay.
Diễn biến trong 11 tháng, báo cáo cho biết CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng Sáu mức tăng chỉ còn 2% và tháng Mười Một tăng 3,45%. Bình quân 11 tháng, CPI tăng 3,22% và phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%).
Bà Oanh nhấn mạnh nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 11 tháng giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 7,5% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.