Sở Nội vụ Hải Dương đề xuất mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách thế nào?
Sở Nội vụ Hải Dương đang tham mưu dự thảo tờ trình ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chức danh, mức phụ cấp, mức hỗ trợ và khoán kinh phí đối với người hoạt động không chuyên trách, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Theo dự thảo, về chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã, mỗi xã, thị trấn có 18 chức danh, mỗi phường có 20 chức danh. Mức phụ cấp chi trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chưa qua đào tạo bao gồm cả hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo quy định.
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên, ngoài được hưởng mức phụ cấp theo quy định còn được hỗ trợ mức phụ cấp hằng tháng theo trình độ đào tạo: trung cấp là 0,21 lần mức lương cơ sở; cao đẳng 0,35 lần mức lương cơ sở; đại học 0,69 lần mức lương cơ sở.
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã chưa qua đào tạo, trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Nghị định số 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định. Hết thời hạn mà chưa đáp ứng thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định.
Các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn, khu dân cư gồm: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn, Trưởng khu dân cư; Trưởng ban công tác Mặt trận, thôn, khu dân cư (khuyến khích việc kiêm nhiệm các chức danh).
Mức phụ cấp hằng tháng đối với Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn, Trưởng khu dân cư; Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn có dưới 350 hộ, khu có dưới 500 hộ lần lượt là 1,6; 1,6 và 1,3 mức lương cơ sở.
Thôn có từ 350 hộ trở lên, khu có từ 500 hộ trở lên, mức hỗ trợ Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn, Trưởng khu dân cư; Trưởng ban công tác Mặt trận, thôn, khu dân cư lần lượt là 2,1; 2,1 và 1,8 mức lương cơ sở.
Về mức khoán kinh phí đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn, khu dân cư cụ thể như sau: Đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã loại I, loại II và loại III lần lượt là 15 triệu đồng, 13,5 triệu đồng và 12 triệu đồng/tổ chức/năm.
Khoán kinh phí chi phụ cấp cho chi hội trưởng và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, khu dân cư như sau: Chi hội thuộc thôn dưới 350 hộ, khu dưới 500 hộ là 4,5 triệu đồng/tổ chức/năm. Chi hội thuộc thôn từ 350 hộ trở lên, khu dân cư từ 500 hộ trở lên, thôn có từ 350 hộ trở lên chuyển thành khu dân cư do lập đơn vị hành chính đô thị cấp xã có mức phụ cấp 6 triệu đồng/tổ chức/năm.
Về chức danh người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu dân cư, mỗi thôn, khu dân cư bố trí 2 người để đảm nhiệm 3 chức danh: Phó trưởng thôn, khu dân cư; Công an viên (đối với thôn), Tổ trưởng tổ bảo vệ dân phố.
Mức hỗ trợ hằng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu dân cư cụ thể như sau: Phó trưởng thôn, khu dân cư được hưởng mức bồi dưỡng 1 lần mức lương cơ sở/người/tháng, các chức danh còn lại được hưởng mức bồi dưỡng 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Sở Nội vụ cũng tham mưu dự thảo tờ trình Kế hoạch giao số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo dự thảo, cán bộ, công chức cấp xã tính theo phân loại đơn vị hành chính cấp xã, đối với phường loại I là 23 người, phường loại II là 21 người và phường loại III là 19 người; đối với xã, thị trấn thuộc loại I, II, III lần lượt là 22 người, 20 người và 18 người. Tính tăng thêm theo quy mô dân số và diện tích, đơn vị hành chính cấp xã tăng thêm đủ ½ mức quy định về quy mô dân số thì được tăng thêm 1 công chức; đơn vị hành chính cấp xã cứ tăng thêm đủ 100% mức quy định về diện tích tự nhiên được tăng thêm 1 công chức. Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã thì xã, phường, thị trấn loại I, II, III lần lượt là 14 người, 12 người và 10 người. Trên cơ sở đó, năm 2024 tổng số cán bộ, công chức cấp xã đề nghị giao là 4.886 người. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đề nghị giao là 2.683 người.