Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi chặn chiêu trò “mập mờ đánh lận con đen”
Trong 7 luật vừa được Quốc hội thông qua, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và Luật Căn cước có nhiều điểm mới đột phá được cử tri cả nước và Hải Dương quan tâm.
Chấn chỉnh quảng cáo bất động sản
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi vừa được các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua gồm 10 chương, 83 điều sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2025, tăng 4 chương, 1 điều so với luật hiện hành.
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đã khắc phục nhiều vướng mắc trong thực tiễn sau hơn 8 năm thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung lần này là quy định công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh. Đây là quy định mang tính "xương sống" để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường bất động sản.
Nếu như tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chỉ quy định chung về công khai thông tin bất động sản đưa vào kinh doanh thì luật sửa đổi đã quy định rõ ràng, yêu cầu cụ thể các loại thông tin đối với bất động sản đưa vào kinh doanh như thông tin về dự án bất động sản; thông tin về nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, có sẵn; thông tin về quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản…
Đặc biệt, luật sửa đổi còn quy định “doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác thông tin” và “các thông tin đã công khai phải được cập nhật khi có sự thay đổi”. Điều này sẽ ngăn chặn chiêu trò “mập mờ đánh lận con đen” trong quảng cáo bất động sản khiến nhiều người dân, nhà đầu tư bất động sản lao đao, gây bức xúc trong dư luận như thời gian qua.
Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi còn bổ sung quy định chi tiết về kinh doanh quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng kinh doanh bất động sản, xây dựng và quản lý hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, điều tiết thị trường bất động sản… Đây sẽ là hành lang pháp lý chặt chẽ để giải quyết những mâu thuẫn và sớm gỡ những “nút thắt chồng chéo” trong thị trường bất động sản hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương và cả nước.
Thẻ căn cước không còn quê quán, dấu vân tay
Với 431/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật Căn cước chính thức được thông qua sáng 27/11, sẽ có hiệu lực ngay từ 1/7/2024. Luật Căn cước ra đời đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ trực tuyến.
Các đại biểu Quốc hội đã tán thành bỏ thông tin quê quán và vân tay trên thẻ căn cước, chỉ lưu trong cơ sở dữ liệu. Theo điều 18, các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước gồm: ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Cơ quan soạn thảo cho biết việc bỏ vân tay trên bề mặt thẻ để bảo đảm tính bảo mật khi người dân sử dụng thẻ. Thông tin quê quán cũng được lược bỏ và thay thế bằng thông tin về nơi đăng ký khai sinh vì đây là thông tin chính xác, có tính ổn định cao.
Trên thực tế, nhiều người sinh ra ở tỉnh, thành phố này nhưng quê của bố mẹ, ông bà ở một địa phương khác. Những thông tin này in trên thẻ căn cước gây khó trong quá trình thu thập thông tin của công dân và cũng không chính xác bằng nơi đăng ký khai sinh. Bên cạnh đó, Luật Căn cước cũng bổ sung quy định cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi nếu có nhu cầu. Theo Luật Căn cước, thẻ căn cước công dân cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước. Tuy nhiên, công dân không bắt buộc phải đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước. Đây cũng là 3 nội dung đã được các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp ý, đề xuất tại kỳ họp.
Với những quy định mới này, cử tri kỳ vọng Luật Căn cước khi có hiệu lực sẽ phục vụ kết nối, khai thác, làm giàu dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện và tạo bước đột phá về chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã xem xét 9 dự án luật. Trong đó, 2 dự án luật chưa được thông qua tại kỳ họp lần này là Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). 7 dự án luật được thông qua gồm: Luật Căn cước, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.