Đề xuất cộng điểm thi lớp 10 để tạo động lực cho học sinh giỏi
Kỳ thi lớp 10 công lập nên cộng điểm cho học sinh đạt giải cấp thành phố, nhằm tạo động lực cho những em ưu tú, theo nhiều giáo viên, hiệu trưởng.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hồi giữa tháng 11 cho biết đã nhiều lần đề xuất việc này với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ tiếp nhận và đang nghiên cứu, xem xét.
Đề xuất cộng điểm cho học sinh giỏi trong kỳ thi vào lớp 10 được nhiều phụ huynh, giáo viên quan tâm. Đây là thời điểm các quận, huyện chọn đội tuyển, chuẩn bị cho kỳ thi cấp thành phố vào tháng 1/2024. Trên một diễn đàn, bài đăng về chủ đề này thu hút cả nghìn lượt tương tác.
Đạt giải nhất môn Lịch sử của quận Thanh Xuân, Trần Thế Quyền, lớp 9, trường THCS Kim Giang, sẽ tham gia kỳ thi này.
"Mục tiêu của con là đạt giải ba trở lên, xa hơn nữa là trúng tuyển trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn", chị Hằng, mẹ của Quyền, nói.
Người mẹ đánh giá quá trình học đội tuyển giúp con trai được học với các thầy cô giỏi, giàu kinh nghiệm. Điều trăn trở lớn nhất của chị và Quyền là dù đạt giải nhất quận hay thành phố, em cũng không được ưu tiên gì khi thi lớp 10 công lập.
"Tôi thấy không cộng điểm cho học sinh giỏi thành phố là bất cập", chị Hằng nói.
Quan điểm của chị Hằng không phải cá biệt. Nhiều giáo viên, hiệu trưởng đề xuất cộng điểm ưu tiên cho học sinh giỏi để tạo thêm động lực cho các em, cũng như thuận lợi cho công tác bồi dưỡng.
Trước đây, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành vẫn cộng 1-2 điểm ưu tiên vào lớp 10 cho những học sinh đạt giải cấp thành phố. Nhưng từ năm 2014, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh THCS và THPT, chính sách này bị bỏ.
Hiện nay, Hà Nội chỉ cộng điểm cho học sinh đạt giải thành phố ở vòng sơ tuyển nếu các em đăng ký thi vào lớp 10 chuyên. Điểm sơ tuyển là tổng điểm thi học sinh giỏi (2-5 điểm), xếp loại học lực bốn năm (8-12 điểm) và điểm tốt nghiệp THCS (2-3 điểm). Đạt từ 10 điểm trở lên, thí sinh đủ điều kiện thi chuyên.
"Vì cộng nhiều đầu điểm nên mức tổng dễ dàng hơn 10, giải học sinh giỏi gần như không có ý nghĩa", một giáo viên lớp 9 nhận xét.
Trong khi đó, theo cô giáo này, để lọt vào đội tuyển học sinh giỏi thành phố, chưa bàn tới chuyện có giải hay không, học sinh phải trải qua nhiều vòng đánh giá, đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Chị Quỳnh ở quận Cầu Giấy nói đã "đổ không biết bao nhiêu tiền" cho con gái lớp 8 luyện thi học sinh giỏi môn Toán từ ba năm trước. Theo chị, quận có nhiều trường THCS chất lượng cao nên mức độ cạnh tranh giải học sinh giỏi cũng khốc liệt hơn. Ngoài giờ học chính khóa và hai buổi chiều học Toán ở trường, con gái chị học thêm ít nhất ba buổi nâng cao với các giáo viên giỏi. Buổi tối, ngoài bài vở các môn khác, nữ sinh tiếp tục tự học môn Toán.
"Đây là sự chuẩn bị để con có thể vượt qua vòng quận, vào danh sách thi thành phố và có giải", chị Quỳnh nói.
Tốn kém, vất vả nhưng không được ưu tiên gì khi xét tuyển lớp 10 nên nhiều học sinh, phụ huynh không có động lực tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi, theo thầy Nguyễn Cao Cường, hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa.
Thầy Cường cho biết hiện nhiều trường gặp khó khăn khi thành lập đội tuyển vì lý do này. Trong khi đó, việc sớm phát hiện, bồi dưỡng học sinh có thiên hướng ở một môn học cụ thể là nền tảng cho quá trình tạo ra những cá nhân xuất sắc, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.
Hiệu trưởng một trường THCS ở quận Ba Đình cũng đồng tình. Bà cho rằng mục đích chung của các kỳ thi là đánh giá, ghi nhận kết quả dạy và học, từ đó khích lệ, tạo động lực cho học sinh.
"Tính khích lệ trong giáo dục, cụ thể là kỳ thi học sinh giỏi, cần được đặt ra rõ hơn. Tôi ủng hộ việc cộng điểm thi lớp 10 cho học sinh được giải", bà nói.
Theo bà, chính sách trước mắt có thể không áp dụng với tất cả, nhưng "rất cần" ưu tiên cho những em giải nhất. Những học sinh này đều rất giỏi, nếu không may sơ sẩy trong kỳ thi chuyên mà trượt sẽ là điều đáng tiếc. Các trường cũng mất đi một học sinh tài năng.
Tại Hà Nội, ngoài 119 trường THPT công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, còn có bốn trường chuyên thuộc đại học, xét tuyển lớp 10 độc lập. Trong đó, trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội và chuyên Khoa học Tự nhiên xét tuyển thẳng học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh, thành phố.
"Việc này động viên học sinh, cũng giúp các trường có ưu tiên xác đáng cho những em có năng lực", TS Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng chuyên Đại học Sư phạm, nói, thêm rằng tỷ lệ tuyển thẳng chiếm tối đa 10% chỉ tiêu là hợp lý.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu, Hiệu trưởng THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, cảnh báo việc cộng điểm, xét tuyển thẳng học sinh giỏi tỉnh, thành phố trong kỳ thi vào lớp 10 có thể gây ra bệnh thành tích, chạy giải. Trường này cùng với chuyên Ngoại ngữ không cộng điểm ưu tiên, không tuyển thẳng.
Lý giải, ông Liệu nói trường theo đuổi mục tiêu giáo dục toàn diện, đòi hỏi học sinh có năng lực ở nhiều môn, thay vì chỉ mạnh ở một môn cụ thể. Việc không cộng điểm ưu tiên và tuyển thẳng cũng nhằm tạo công bằng với tất cả thí sinh.
Con trai chị Hằng đang miệt mài ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi thành phố. Người mẹ dù nói dù con không được cộng điểm vào lớp 10, chị vẫn đánh giá quá trình ôn luyện "được nhiều hơn mất".
"Mục tiêu cuối cùng của con là thi vào lớp 10 chuyên Lịch sử, nên việc nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi sẽ hỗ trợ con trong quá trình ôn thi, truyền động lực để con tiếp tục theo đuổi niềm đam mê", chị Hằng nói.