Đời sống

Nơi ấy để về

NGÔ THỊ VÂN ANH 03/12/2023 12:15

Nơi đó có bố mẹ của cô, một đời đối tốt với cô mà không đòi hỏi gì.

noiaydeve.jpg

Minh là con gái duy nhất của bố mẹ nên cô được cưng chiều hết mực. Thấm thoát đã 5 năm lấy chồng xứ xa. Ngày Minh lấy chồng, bố mẹ đã can ngăn vì ông bà thấy người đàn ông cô chọn chưa đủ tin tưởng lại ở quá xa xôi. Nhưng vì yêu, vì cho rằng mình có thể tự quyết định mọi thứ trong cuộc sống nên cô bất chấp tất cả để lấy được anh.

Nhưng quả thật, cuộc đời không giống như cô nghĩ. Từ ngày lấy chồng, cô về nhà mẹ duy nhất được một lần vì điều kiện không cho phép. Đã thế, chồng cô quả giống như những gì bố mẹ đoán định, ích kỷ, nhu nhược và vũ phu.

Đang thoáng nghĩ, bỗng có tiếng chồng cô gọi giật giọng:

- Hôm nay bạn tôi đến chơi, cô đi chợ mua ít đồ ngon cho anh em tôi làm bữa nhậu.

- Anh đưa tiền để em mua, tháng này em đóng hết tiền học cho con rồi. Nhà chỉ còn chút ít tiền ăn cho mấy bữa nữa thôi.

Chỉ mới nghe có thế, chồng cô đã lao tới, trợn mắt lớn giọng với vợ:

- Suốt ngày tiền, thử hỏi tiền cô đi làm cô để đâu mà cứ hễ mở miệng ra cô lại đòi tiền. Có phải cô gửi hết về cho bố mẹ cô rồi không?

Minh rớm nước mắt khi chồng cho rằng mình cầm tiền gửi về quê cho bố mẹ. Một tháng lương công nhân được mấy triệu đồng, cô phải lo bao nhiêu là thứ, từ con cái, gia đình rồi cả việc ăn uống cho bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng cô còn ít tuổi hơn cả bố mẹ cô. Họ rất khỏe mạnh nhưng lại không đi làm. Mỗi tháng có lương, chồng cô đưa hết cho bố mẹ chồng, cô không có quyền được giữ hay đòi hỏi gì tiền của chồng. Lấy anh về mới biết anh nhu nhược, nghe bố mẹ. Trong khi đó, bố mẹ cô biết hoàn cảnh và vì thương con nên vẫn thỉnh thoảng gửi cho cô một ít để trang trải cuộc sông. Nghĩ vậy, cô uất ức, lau nước mắt, cự cãi lại chồng, có lẽ đây là một trong những lần rất ít cô như vậy:

- Anh nói tôi gửi tiền cho bố mẹ tôi sao? Tôi đã nuôi được bố mẹ ngày nào đâu. Tiền tôi làm ra lo cho gia đình anh còn không đủ nữa đây.

Một cái tát trời giáng hằn đỏ hình bàn tay trên mặt Minh, chồng cô lao vào túm lấy tóc cô vừa đánh vừa quát mắng:

- Con ranh này, hôm nay tao phải dạy cho mày một bài học mới được. Cái nhà này có phải chỗ cưu mang người cơ nhỡ đâu. Ai cho mày ở đây mà mày dám nói là phải lo cho cả gia đình này?

- Vậy tôi hỏi anh, anh đã bao giờ đưa tiền cho tôi lo sinh hoạt cho gia đình chưa, hay anh đưa cho bố mẹ anh giữ hết. Tôi một mình vừa phải lo cho các con vừa phải lo chi tiêu trong gia đình. Anh tưởng là với lương của tôi mà đủ chắc. Là bố mẹ tôi phải làm lụng vất vả chắt bóp gửi thêm vào cho tôi đấy.

Bố mẹ chồng cô đứng đó, không can ngăn lại còn đổ thêm dầu vào lửa. Chồng cô bất chấp lý lẽ chửi bới, đánh đập cô. May mà bạn bè của chồng cô đến chơi thấy vậy can ngăn, cô mới thoát được ải này.

Cô chạy một mạch ra khỏi nhà, lang thang trên đường như một kẻ mất hết tất cả mọi thứ, vừa đi vừa khóc. Nỗi nhớ quê nhà trào dâng. Ở nơi xa xứ này, cô thật sự rất cô đơn, nhất là khi không nhận được sự yêu thương của chồng và gia đình nhà chồng. Dù không muốn làm bố mẹ lo lắng nhưng cô không thể kiềm được cảm xúc của mình, nhấc điện thoại và gọi cho bố. Nghe giọng cô, bố đã nhận ra điều bất ổn, ông điềm tĩnh nói:

- Tết năm nay cho cháu về nhé. Bố sẽ gói nhiều bánh chưng và đụng thêm thịt lợn, tha hồ mà ăn.

- Bố… bố... con nhớ bố mẹ nhiều lắm! Con xin lỗi vì đã không nghe lời bố mẹ.

- Thôi, có chuyện gì nếu không đợi được đến Tết thì giờ về luôn cũng được. Mang cháu của bố về đây. Nhà này là của con, mãi mãi là gia đình của con.

Minh òa khóc như một đứa trẻ. Phải rồi, cô sẽ về, đó luôn là nhà của cô, không bao giờ thay đổi. Nơi đó có bố mẹ của cô, một đời đối tốt với cô mà không đòi hỏi gì. Minh hoàn toàn không muốn con phải khổ, sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của cha hay mẹ, nhưng mọi thứ đối với Minh đã đi vào đường cùng. Cô không thể nào sống tiếp và để con nhìn thấy cảnh một người cha nhu nhược suốt ngày đánh đập vợ con mình như thế. Minh đặt luôn vé tàu về quê cùng con.

NGÔ THỊ VÂN ANH