Tài chính - Ngân hàng

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều khó khăn

Theo TTXVN 27/11/2023 07:09

Vấn đề huy động vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ còn rất nhỏ, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng liên tục sụt giảm qua các năm.

(Ảnh minh họa: Hồng Đạt/TTXVN)
Ảnh minh họa

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp không chỉ giúp giảm tải cho thị trường tiền tệ mà còn giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, tạo dòng vốn và nguồn lực cho nền kinh tế nhanh chóng hồi phục sau những tác động tiêu cực của dịch bệnh, của biến động về tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Nếu duy trì được thị trường trái phiếu doanh nghiệp lành mạnh và phát triển, sẽ là cơ sở kỳ vọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2024.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển trong ASEAN như Malaysia là 56% GDP, Singapore là 38% GDP, Thái Lan là 25% GDP.

Vấn đề huy động vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ còn rất nhỏ, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng liên tục sụt giảm qua các năm.

Ngoài những nguyên nhân từ bối cảnh khó khăn chung của thị trường thì thách thức còn xuất phát từ một số rào cản khác như thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành thường kéo dài từ 4-6 tháng, nhiều vướng mắc liê quan tới hồ sơ niêm yết trái phiếu phải có Nghị quyết của Đại Hội đồng Cổ đông Doanh nghiệp trong khi Đại Hội đồng Cổ đông chỉ tiến hành họp 1 năm/lần...

Cùng với đó là áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu phải đối mặt khi lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 đang còn rất lớn.

Đáng ngại nhất là số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ đang ngày càng nhiều thêm.

Tính đến thời điểm này, đã có gần 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp.

Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này hiện xấp xỉ 160 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinRatings cho hay, trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân nắm giữ trái phiếu đã giảm nhưng vẫn chiếm đa số.

Nhà đầu tư tham gia sở hữu trực triếp, gián tiếp trên thị trường sơ cấp chủ yếu là các cá nhân, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoản và các nhà đầu tư tổ chức nội địa...

Cụ thể, đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phi ngân hàng, FiinRatings ước tính, nhà đầu tư cá nhân đang sở hữu hơn 40%, tiếp đến là các tổ chức tín dụng với hơn 30%, công ty chứng khoán hơn 7%, doanh nghiệp bảo hiểm gần 4% và các quỹ đầu tư năm hơn 3%.

"Sau những biến động của thị trường và một số vụ việc vi phạm quy định khiến không ít tổ chức phát hành trái phiếu rơi vào tình hình khó khăn tài chính đã không thực hiện được nghĩa vụ trả gốc và lãi.

Thêm vào đó là vấn đề minh bạch thông tin hạn chế đã gây nên hiện tượng bán tháo trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường và xu hướng giảm đầu tư vào chứng chỉ quỹ của các quỹ trái phiếu khiến cho tình hình càng trở nên phức tạp", ông Thuân cho biết thêm.

Hiện nay, theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý cuối năm nay ước tính trên 104 nghìn tỷ đồng; trong đó trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản hơn 37 nghìn tỷ đồng, của các tổ chức tín dụng là 24 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp sản xuất là 1,3 nghìn tỷ đồng và các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ cùng các lĩnh vực khác hơn 42 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 dự tính hơn 288 nghìn tỷ đồng, năm 2025 là 194,2 nghìn tỷ đồng.

Để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn, ngoài việc kỳ vọng từ dòng tiền tạo ra trong sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp sẽ cần tìm thêm nguồn vốn mới, đến từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới hoặc từ nguồn vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu...

Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doan nghiệp trong giai đoạn này đang rất khó khăn vì sự suy giảm niềm tin nơi các nhà đầu tư, sự e ngại từ phía các tổ chức, cá nhân góp vốn

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, phải khẩn trương tìm hướng xử lý để nhanh chóng lành mạnh hóa thị trường tài chính, giúp khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn.

Những bất cập khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm có một phần nguyên nhân do tính công khai, minh bạch trên thị trường còn hạn chế, cơ chế giám sát, thực thi của Việt Nam được xây dựng trên mô hình quản lý chia sẻ trách nhiệm giữa cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường tài chính nên dẫn tới tình trạng: thiếu cơ quan chuyên trách bảo vệ người tiêu dùng tài chính, thiếu sự phân định rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ và thiếu cơ chế liên thông, thiếu thẩm quyền để giải quyết khiếu nại, tranh chấp đối với người tiêu dùng tài chính.

Với sự biến động của thị trường cũng như qua một số sự kiện liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, thao túng giá cổ phiếu hay các vấn đề liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng tài chính đã làm ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin của nhà đầu tư.

Trước thực trạng và tình hình khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay và mục tiêu hướng tới khôi phục thị trường này phát triển lành mạnh và bền vững, góp phần khơi thông kênh huy động vốn trung và dài hạn cho doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế bình luận, cần có giải pháp không chỉ tập trung vào cải thiện nguồn cung của thị trường như chuẩn hóa đối tượng phát hành, nâng cấp nền tảng trung gian cho thị trường..., mà còn phải có giải pháp "kích cầu" cho thị trường thông qua việc phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư cho thị trường trái phiếu.

Ông Thuân đề xuất, Nhà nước nên can thiệp sớm để cải thiện tính minh bạch thông tin theo hướng sửa đổi khung chính sách tùy theo đối tượng nhà đầu tư, đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt phát hành và trái phiếu doanh nghiệp được chào bán cần thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập như thông lệ đang tiến hành ở các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Song song đó, cần tháo gỡ những rào cản pháp lý nhằm phát triển cơ sở nhà đầu tư như các tổ chức tín dụng, các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp như việc xem xét miễn thuế cổ tức, thuế bán chứng chỉ quỹ, thay vào đó xem xét đánh thuế trên trái tức nhận được.

Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét cơ chế tái cấp vốn cho các quỹ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nếu đạt một số tiêu chí nhất định.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh kênh trái phiếu chào bán rộng rãi ra công chúng, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng cứng và mềm cho thị trường, tạo cơ chế pháp lý cho trái phiếu xanh nhằm tận dụng nguồn vốn trong nước và quốc tế, thành lập thêm các quỹ bảo lãnh trái triếu doanh nghiệp....

Có thể thấy rằng, để thúc đẩy manh mẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, bù đắp cho giai đoạn sụt giảm thời gian trước đây, điều cần làm trước tiên là khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư; đa dạng hóa cho sản phẩm trái phiếu cung cấp ra thị trường..., từng bước tạo được những chuyển biến to lớn, tạo kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Theo TTXVN