Lùi thông qua Luật Đất đai sửa đổi, thị trường bất động sản sẽ ra sao?
Chuyên gia, doanh nghiệp nhận định, Luật Đất đai rất quan trọng. Nếu làm vội, thông qua vội vã mà chưa đánh giá tác động thật chi tiết thì đưa luật mới vào chưa chắc có hiệu ứng tốt mà thậm chí còn hiệu ứng ngược.
Chưa thông qua là hợp lý!
Dự án sửa đổi Luật Đất đai được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chưa thông qua tại kỳ họp kỳ 6. Điều này sẽ tác động thế nào đến thị trường bất động sản?
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay, nhiều dự án đang đợi có cơ chế mới để được tháo gỡ, có thể tiếp tục đưa dự án vào hoạt động; nhiều cơ quan chính quyền cũng chờ đợi quy định mới để phê duyệt. Thế nhưng, Luật Đất đai sửa đổi chưa được thông qua sẽ tạo tâm lý cho thị trường, doanh nghiệp phải chờ đợi thêm.
Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, việc chưa thông qua dự án sửa đổi Luật Đất đai là đúng đắn, bởi trong dự thảo của luật này còn một số nội dung nếu ban hành chưa thể tháo gỡ được; có khi còn gây khó khăn mới như vấn đề giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, đền bù...
“Việc chưa thông qua dự án sửa đổi Luật Đất đai để xem xét kỹ hơn các vấn đề ở kỳ họp tiếp theo là hợp lý, đúng đắn”, ông Đính đánh giá.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, cho hay, Luật Đất đai mới chưa thông qua vì còn nhiều điều mâu thuẫn, chưa thống nhất. Do đó, việc dời lại đến năm sau là hợp lý.
“Luật Đất đai rất quan trọng, nếu làm vội vã, thông qua vội vã mà chưa đánh giá được tác động thật chi tiết thì đưa luật mới vào đôi khi chưa chắc có hiệu ứng tốt, thậm chí có hiệu ứng ngược. Vì thế, việc Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp 6 này là đúng, cần thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng hơn”, ông Quyết đánh giá.
Theo vị lãnh đạo này, các doanh nghiệp, các chủ đầu triển khai dự án luôn hy vọng với Luật Đất đai mới ra phải bao hàm tất cả các vấn đề hiện tại của luật cũ, phải giải quyết được các vấn đề của luật cũ.
“Các doanh nghiệp bất động sản bao giờ cũng mong có quỹ đất để phát triển dự án. Phương pháp định giá đất, giao đất, đấu giá, đấu thầu, tính thuế đất như thế nào cho đúng... là các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm.
Hay vấn đề giải phóng mặt bằng, có nhiều dự án giải phóng đền bù đến 90-95% rồi nhưng cũng không thể phát triển được, dẫn đến “chết tắc”. Tất cả những vấn đề này cần luật hóa quy định chi tiết mới giúp doanh nghiệp hoạt động trơn tru được”, ông Quyết nói.
Thị trường tiếp diễn khó khăn?
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, nhận định, lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai thì thị trường bất động sản sẽ tiếp diễn khó khăn, ít nhất cho đến thời điểm luật được thông qua và có hiệu lực.
Ông lý giải, thời gian qua, thị trường bất động sản khủng hoảng nguồn cung và cả lượng giao dịch, dẫn đến niềm tin của nhà đầu tư thấp cũng như ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, sự luân chuyển và hấp thụ vốn.
“Thủ tục đầu tư lâu nay phức tạp, các luật chồng chéo khiến việc triển khai các dự án mất nhiều thời gian. Thông thường mất 3-7 năm cho toàn bộ quá trình, chưa kể nhiều dự án còn lâu hơn, khoảng 7-12 năm.
Khi Luật Đất đai chưa được thông qua thì các tồn tại về thủ tục đầu tư còn y nguyên, khiến nguồn cung vẫn bị hạn chế. Khủng hoảng nguồn cung sẽ kéo dài ít nhất 2-3 năm nữa. Điều này tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư, nhất là các chủ đầu tư đang phải “gồng” chi phí... Sắp tới, vấn đề mua bán sáp nhập dự án sẽ mạnh hơn, các chủ đầu tư buộc phải bán nhanh để cơ cấu lại nguồn vốn”, ông Quê phân tích.
Theo Chủ tịch Tập đoàn G6, điều lạ của thị trường bất động sản là khi nguồn cung thấp, tính thanh khoản thấp nhưng giá không giảm, lại có xu hướng tăng, nhất là phân khúc chung cư.
“Kỳ vọng nhà ở xã hội sẽ giải quyết được vấn đề nguồn cung, hạ được giá chung cư thương mại, thế nhưng luật chưa được thông qua thì nguồn cung nhà thương mại ngày càng khan hiếm, chủ đầu tư cũng không vội bán với giá rẻ. Có thể, giá chung cư sẽ tiếp tục leo cao, ảnh hưởng đến khả năng mua, tiếp cận nhà ở của người dân.
Đối với phân khúc đất nền hay phân khúc không phụ thuộc nhiều vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở... sắp tới lại là nguồn cung chính cho các nhà đầu tư; điều này dẫn đến đất nền sẽ tăng giá, nhưng mức tăng chậm”, ông Quê nhận định.