Rắc rối với Ukraine từ kết quả bầu cử của Hà Lan
Chiến thắng của ông Wilders trong cuộc bầu cử ở Hà Lan sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine cũng như viện trợ quân sự cho Kiev.
Theo bình luận của tờ Kyiv Post (kyivpost.com-Ukraine) mới đây, với lập trường cực hữu hoài nghi EU, chiến thắng của tân lãnh đạo Hà Lan có thể đồng nghĩa với việc chấm dứt viện trợ cho Ukraine và trở thành trở ngại chưa từng có đối với cả EU cũng như các chính sách lâu đời của khối này.
Là một người ủng hộ đường lối cứng rắn chống EU, kêu gọi một “Hà Lan có chủ quyền”, Geert Wilders và Đảng Tự do PVV cực hữu của ông vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hà Lan và giành được 37 ghế trong Quốc hội Hà Lan.
Ông Wilders và đảng PVV hoạt động dưới biểu ngữ chống người nhập cư - đặc biệt là chống Hồi giáo - và bác bỏ ý tưởng về một cơ quan châu Âu duy nhất, thay vào đó ủng hộ “một Hà Lan chịu trách nhiệm về đồng tiền riêng, biên giới riêng và tự tạo ra quy tắc".
Mặc dù chính sách chống nhập cư với lập trường chống Hồi giáo có thể sẽ ảnh hưởng đến người nhập cư và người tị nạn từ châu Phi và châu Á, nhưng tác động của nó đối với người tị nạn Ukraine ở Hà Lan vẫn chưa chắc chắn.
PVV cũng kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Hà Lan rời khỏi EU và ngừng đóng góp tài chính cho khối. PVV cũng từ chối việc mở rộng thêm EU và mong muốn khôi phục quyền phủ quyết của mình ở Brussels.
Khi các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukraine chuẩn bị bắt đầu, chiến thắng của ông Wilders có thể là trở ngại đối với cơ hội giành được chỗ đứng vững chắc của Ukraine trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Hà Lan cũng là một trong những đối tác quân sự lớn nhất của Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra.
Hà Lan - cùng với Đan Mạch - là nước đầu tiên cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, một động thái có thể thay đổi mạnh mẽ cục diện chiến trường khi cuộc chiến đang trở nên bế tắc trừ khi đạt được đột phá kỹ thuật và công nghệ, theo một tuyên bố của chỉ huy hàng đầu Ukraine.
Vì ông Wilders và PVV từ lâu đã phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine nên chiến thắng của họ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ của Ukraine. Tuy nhiên, tình hình viện trợ quân sự vẫn chưa chắc chắn vì PVV vẫn cần thành lập chính phủ liên minh và không có đảng nào phản đối việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Một kịch bản tiềm năng có thể là Chính phủ Hà Lan sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraine nhưng với mức độ giảm bớt.
Ông Wilders trước đây cũng nói rằng phương Tây lẽ ra nên ngăn chặn Ukraine có khả năng gia nhập NATO. Ông cũng cho biết “các lệnh trừng phạt Nga không hiệu quả và cũng có hại cho Hà Lan". Năm 2016, ông Wilders đã nói “không” với Hiệp ước liên kết giữa Ukraine và EU.