Hưng Yên mùa cam "ngọt"
Về thôn Bùi Xá, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên vào những ngày này chúng ta dễ dàng bắt gặp những vườn cam sai trĩu quả, ngả sắc vàng trên khắp cánh đồng.
Đây là thành quả của việc hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên.
Hơn 10 năm trồng cam có lẽ đây là mùa cam “ngọt” nhất của người dân thôn Bùi Xá, bởi 20 ha cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP được mùa, được giá, hơn hẳn so với những năm trước.
Đây là chia sẻ của ông Lưu Văn Dân, Tổ trưởng Tổ VietGAP, thôn Bùi Xá, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động khi dẫn chúng tôi tham quan vườn cam đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch.
Ông Dân cho biết, trước đây người dân trong thôn Bùi Xá chủ yếu trồng mía nhưng hiệu quả không cao nên đã chuyển sang trồng cam, chủ yếu là cam Vinh. Tuy nhiên, việc trồng cam chủ yếu dựa vào yếu tố thời tiết, cũng như kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau nên năng suất năm được, năm mất. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhiều gia đình không còn mặn mà trồng cam.
Nhận thấy việc trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP được rất nhiều địa phương áp dụng cho thấy hiệu quả rõ rệt, vì thế, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên triển khai mô hình “Thâm canh cây ăn quả VietGAP” nên người dân trong thôn rất phấn khởi.
“Được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông tỉnh xuống tận vườn cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn tận tình cách chăm sóc cây; đồng thời hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh nên chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng. Những cây cam sai trĩu, quả to đều, mẫu mã đẹp đã minh chứng cho sự hiệu quả mà mô hình mang lại”, ông Dân phấn khởi nói.
Những ngày này, vườn cam của gia đình ông Lưu Đức Khánh ở thôn Bùi Xá, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động có rất đông người đến hỏi thăm, bởi 7 sào cam của gia đình ông dự tính sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn cam, điều mà trước đây ông chưa bao giờ nghĩ đến.
Ông Khánh cho biết, nếu như trước đây một cây cam sẽ cho thu hoạch trung bình từ 70 - 80 kg, tuy nhiên trồng theo tiêu chuẩn VietGAP năng suất sẽ đạt từ 90 - 100 kg/cây, cá biệt có cây trên 100 kg. Mã cam sáng, vỏ vàng, quả to đều, tỷ lệ xơ thấp và có vị ngọt thanh, đây chính là yếu tố giúp cam Bùi Xá nói riêng, cam Đồng Thanh nói chung khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Với giá bán hiện tại khoảng 25.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông sẽ thu lãi khoảng 140 triệu đồng từ 7 sào cam.
Bà Tạ Thị Quý, cùng thôn Bùi Xá cho hay, qua quá trình trồng thử nghiệm rất nhiều loại cam, giống cam Vinh là thích hợp phát triển với vùng đất này. Trước đây, do chưa tuân thủ đúng quy trình sản xuất nên sản lượng và chất lượng cam không cao khó cạnh tranh về giá với các vùng cam khác trên thị trường.
Mặc dù, trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP mất nhiều công hơn nhưng bù lại chi phí thấp, chủ yếu là bón phân vi sinh lại đẹp mã, mọng nước nên có giá cao hơn so với mọi năm. Hiện bà Quý đang huy động nhân lực để cắt tỉa những quả cam xấu, dự tính khoảng đầu tháng 12 gia đình bà sẽ thu hoạch. Với giá bán tại vườn dao động khoảng 25.000 đồng kg và dự tính sẽ cao cao hơn nữa, năm nay, gia đình bà Quý sẽ thu lãi khoảng 80 triệu đồng từ 4 sào cam.
Bà Trần Thị Huệ, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình “Thâm canh cây ăn quả VietGAP", trên diện tích 65 ha; trong đó, có 20 ha ổi tại xã Hoàn Long (huyện Yên Mỹ), 25 ha bưởi tại xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động) và 20 ha cam ở xã Đồng Thanh (huyện Kim Động).
Để việc trồng cam VietGAP thực sự mang lại hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo các cán bộ xuống tận vườn hướng dẫn bà con sản xuất, trồng cam theo tiêu chuẩn ViệtGAP, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ khâu chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và phân phối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, hình thành nên những vùng cây ăn quả, trở thành đặc sản riêng có ở mỗi vùng đất Hưng Yên.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng, trên địa bàn tỉnh đã có một số vùng trồng cam sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, điển hình như các xã: Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), Đồng Thanh (Kim Động), Tam Đa (Phù Cừ). Cùng với việc xây dựng thương hiệu, đến nay, cam Hưng Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Từ nhiều năm nay, cùng với cây nhãn lồng đặc sản, cây cam đang trở thành cây chủ lực để nông dân Hưng Yên vươn lên làm giàu. Đặc biệt, nhiều địa phương ở các huyện Phù Cừ, Yên Mỹ, Kim Động, Ân Thi, Văn Giang, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên đã chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng lúa và màu hiệu quả thấp sang trồng cam.
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế; trong đó, trọng tâm là tăng cường xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm; phát huy hiệu quả Đề án ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng.