Giải mã hàng Trung Quốc "bao nhanh, bao rẻ"
Giá cả hợp lý, phí ship thấp và thời gian giao hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ trong vòng 3-5 ngày... đã thu hút nhiều khách Việt.
Thậm chí, chương trình bán hàng trực tuyến (livestream) được tổ chức tại Trung Quốc nhưng khách Việt vẫn dồn dập chốt đơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có mức phí ship thấp, thậm chí miễn phí, các "ông lớn" trong lĩnh vực thương mại điện tử như Taobao, Shopee... đều liên kết với các công ty vận chuyển lớn, trong đó có những công ty trong hệ sinh thái.
Các cửa hàng trên những nền tảng này đều được hưởng chiết khấu cao từ các công ty vận chuyển, miễn phí hay giảm giá cho một lượng đơn hàng nhất định...
Bán giá rẻ, bao luôn phí ship!
Gần 12h đêm, kênh Biz... trên TikTok vẫn có hơn 300 người đang theo dõi một nữ nhân viên nói tiếng Việt với giọng lơ lớ, bán các mặt hàng túi xách nữ từ Trung Quốc, giá chỉ từ 200.000 - 450.000 đồng.
"Đây là hàng cao cấp. Túi này là nhà thiết kế của nhà em mong muốn làm ra. Cho tình yêu xem kỹ hơn. Đây là màu trắng, ngoài ra cũng có màu cà phê, không gian đủ rộng", nữ nhân viên nói bằng tiếng Việt.
Khi được hỏi đang phát sóng buổi bán hàng ở đâu, phía cửa hàng cho biết đang ở Trung Quốc. Dù vậy, các khách hàng vẫn được áp mã giảm giá phí vận chuyển. Để thuận tiện, nhiều người cũng đặt kho hàng ở Việt Nam.
Chia sẻ về chuyến sang Trung Quốc học hỏi và bán hàng trực tuyến mới đây, beauty blogger Vũ Duy (Call Me Duy, quán quân chương trình thực tế KOC Vietnam 2022) cho biết chỉ trong một phiên bán hàng tại Quảng Châu đã đạt doanh số hàng tỉ đồng với hơn 5.000 đơn hàng của một thương hiệu nước hoa nội địa Trung.
Dù phát sóng tại Trung Quốc nhưng hàng đặt ở TP Hồ Chí Minh, tầm 2-3 ngày giao tới tay.
Nhãn hàng tung ra nhiều mã miễn phí vận chuyển để khách hàng dễ dàng mua sắm.
"Hôm qua là lần đầu tiên Duy bùng nổ doanh số lên tới 10 chữ số trên live. Live xong mà thiệt cảm động khóc luôn á. Cảm ơn mọi người đã ủng hộ Duy rất nhiều. Mặc dù ê kíp tại Trung Quốc rất chuyên nghiệp trong khâu ship hàng, nhưng có vấn đề gì mọi người nhớ feedback (phản hồi - PV) lại giùm Duy nha", anh nói.
Theo tìm hiểu, khi mua sắm qua sàn TikTok, nhiều khách hàng cũng được tặng mã giảm phí vận chuyển 25.000 đồng đối với các đơn hàng có trị giá 45.000 đồng trở lên và giảm 70.000 đồng với các đơn từ 150.000 đồng trở lên.
Thử đặt đồ qua ứng dụng Shopee, chị Trần Đan Thanh (33 tuổi, Q.Bình Thạnh) cho biết số lượng mặt hàng của Trung Quốc xuất hiện khá dày đặc.
Nhiều gian hàng Trung Quốc đặt địa chỉ là "quốc tế". Thời gian vận chuyển hàng trong nước rơi vào khoảng 1-3 ngày, hàng quốc tế thường phải chờ từ 5-10 ngày. Tuy nhiên, phí vận chuyển không có sự chênh lệch đáng kể. Điển hình như gần đây chị có mua hai chiếc ốp lưng điện thoại với giá tổng cộng 53.000 đồng, được miễn phí vận chuyển 17.000 đồng.
Dựa vào lịch sử giao hàng, có thể thấy sau khi đặt thành công, đơn hàng tới kho Thâm Quyến (Trung Quốc), thông quan, nhập khẩu vào Việt Nam, về kho phân loại, qua bưu cục và tới tay khách hàng chỉ trong... 5 ngày!
Trong thực tế, theo chị Thùy Dương (29 tuổi, quận Tân Bình), cùng một sản phẩm máy cạo râu nhãn hiệu Trung Quốc, đặt mua ở Trung Quốc giá sẽ rẻ và được giao nhanh hơn so với khi đặt mua shop ở Việt Nam!
Đầu tư bài bản cho logistics
Ngoài giá bán, khâu vận chuyển là một trong những yếu tố cạnh tranh của các sàn thương mại điện tử. Việc giao nhanh, giá rẻ khi mua hàng Trung Quốc qua sàn thương mại điện tử không chỉ nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc mà còn có sự chủ động đầu tư năng lực từ chính các doanh nghiệp bán hàng, hạ tầng logistics của Trung Quốc, cộng với sự chuyên nghiệp của các đơn vị làm dịch vụ thông quan tại Việt Nam.
Chẳng hạn, Best Express (thuộc Tập đoàn Best Inc., Trung Quốc) đã đầu tư trung tâm phân loại với khoản vốn hàng chục triệu USD tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hệ thống bưu cục nhượng quyền, đảm nhận chuyển hàng cho sàn Shopee, TikTok... xuyên biên giới, trong đó có Việt Nam.
Sau khi nhận đơn hàng, đội ngũ xe vận tải của hãng tại Trung Quốc sẽ đến tận xưởng sản xuất để thu gom hàng rồi vận chuyển đến các kho tập kết chờ vận chuyển xuyên biên giới.
Toàn bộ hàng cần vận chuyển về Việt Nam được tập kết tại hai kho hàng cỡ lớn của Best tại Đông Quản (Quảng Đông) và Kim Hoa (Chiết Giang). Một đại diện của Best Express cho rằng việc kết nối trực tiếp với nhà sản xuất để thu gom về kho tập kết sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển.
"Thay vì đến tận xưởng sản xuất và trung chuyển hàng đến các cửa khẩu xuất hàng, chủ hàng chỉ cần chốt đơn và ấn định chi phí, khâu hậu cần gồm trung chuyển, tập kết tại kho và xuất hàng sẽ được hãng xử lý", vị này nói.
Ông Lê Trung Dũng - Ban quản lý dự án sàn thương mại điện tử quốc gia ECVN, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho biết để có thể giao hàng nhanh chóng đến tay người mua xuyên biên giới, các doanh nghiệp Trung Quốc rất chú trọng đầu tư năng lực xử lý đơn hàng. Khi có đơn hàng phát sinh, đội ngũ chăm sóc và xử lý đơn hàng thường chỉ mất không quá 30 phút để đóng gói và đưa hàng tới địa điểm tập kết.
Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử của doanh nghiệp Trung Quốc (gian hàng nước ngoài) được đặt sẵn trong các kho hàng fulfillment nên việc tiếp nhận và xử lý nhanh chóng hơn bao giờ hết. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quá trình xử lý đơn hàng cũng được các doanh nghiệp Trung Quốc áp dụng triệt để...
"Các doanh nghiệp thương mại điện tử tại Trung Quốc sở hữu năng lực xử lý đơn hàng rất đáng nể. Các doanh nghiệp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cũng luôn ý thức việc tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.
Do vậy, ngoài các chính sách tốt cho khách hàng, họ luôn coi thời gian là trọng tâm của trải nghiệm tốt. Khách hàng tại Trung Quốc không bao giờ phải chờ đợi quá lâu từ sau khi đặt hàng và điều này luôn được cải thiện qua từng năm", ông Dũng nói.
Dịch vụ thông quan tại Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp
Theo ông Lê Trung Dũng, Trung Quốc đang sở hữu một mạng lưới vận tải hàng đầu thế giới, gồm hệ thống giao thông, phương tiện vận tải, kho bãi, cảng... tạo tiền đề giúp quá trình lưu thông hàng hóa của quốc gia này trở nên nhanh chóng với chi phí hợp lý.
Quy mô thị trường vô cùng lớn cũng giúp việc mua bán, vận chuyển, giao hàng của các doanh nghiệp tại Trung Quốc diễn ra nhanh chóng.
Số lượng đơn hàng và nhu cầu xử lý cao dẫn đến các công ty chuyên về logistics tại đất nước này có một thị trường khổng lồ để khai thác, tối ưu chi phí. Mức độ giao thương ngày càng lớn giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng buộc các đơn vị làm dịch vụ thông quan cửa khẩu nâng tốc độ xử lý ngày càng nhanh hơn.
Đặc biệt, sự bùng nổ của các gian hàng quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước (Shopee, Lazada, TikTokshop...) đã tạo động lực thúc đẩy các đơn vị làm dịch vụ thông quan hải quan tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh và chuyên nghiệp.
"Các ưu đãi về việc nhập khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử và kinh nghiệm, năng lực của các đơn vị dịch vụ thông quan tăng dần cũng tác động tích cực tới tốc độ vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam, thậm chí có những đơn hàng vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam nhanh hơn vận chuyển nội địa", ông Dũng nhận xét.