Tin tức

Dự thảo Luật Đường bộ: Cần rà soát để tránh chồng chéo, khó áp dụng

Theo Vietnam+ 24/11/2023 13:23

Thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật còn nhiều điểm chồng chéo với Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ.

Đai biểu Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đai biểu Nguyễn Thị Mai Phương phát biểu

Cần phải rà soát lại các quy định trong dự thảo Luật Đường bộ để tránh chồng chéo với Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, khó áp dụng trong thực tế. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận sáng nay, 24/11.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho hay trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sau khi tách thành hai luật là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng hai dự thảo Luật để tránh các nội dung quy định chồng lấn.

Đánh giá hai dự án Luật có sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và có sự phối hợp để phân định rõ phạm vi điều chỉnh nhưng theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, có một số nội dung trong hai dự án Luật tiếp tục chồng lấn, một số nội dung cùng quy định ở cả hai dự án luật nên dễ gây sự chồng lấn, khó khăn, trùng lặp trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, tại khoản 1, Điều 43 của dự thảo Luật quy định “Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh là nơi thu thập, lưu giữ, phân tích và xử lý dữ liệu để kết nối, chia sẻ cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chỉ huy giao thông.” Trong khi đó theo quy định tại Khoản 2, Điều 69 của Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, “Trung tâm chỉ huy giao thông là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích, xử lý dữ liệu và cung cấp thông tin, tình hình giao thông thuộc Vụ chỉ huy điều hành giao thông.”

Do vậy, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là các thông tin cần phải thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu của hai loại trung tâm này để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực.

Về một số nội dung được quy định đồng thời trong hai dự thảo luật như việc vận chuyển hành khách bằng xe ô tô và việc vận tải, đưa đón học sinh bằng xe ôtô, trách nhiệm của người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe ôtô vận chuyển hành khách, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng phải áp dụng cả hai luật dẫn đến khó theo dõi và khó thực hiện.

Theo đó, đại biểu đề nghị cần phải tích cực rà soát hai dự án luật này để xử lý các vướng mắc, đảm bảo thuận tiện trong việc áp dụng pháp luật cho người dân và doanh nghiệp.

Đây cũng là vấn đề được Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chỉ ra. Theo đại biểu Bảo Trân, cả Dự án Luật Đường bộ và Dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đều có quy định liên quan đến xây dựng, quản lý, sử dụng Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, Trung tâm chỉ huy giao thông. Đại biểu bày tỏ băn khoăn về cách thức triển khai thực hiện và hiệu quả việc xây dựng, quản lý, sử dụng Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh, Trung tâm chỉ huy giao thông trong hai luật này và đề nghị đánh giá kỹ lưỡng để tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, trùng lắp lãng phí, có thể xem xét hợp nhất việc đầu tư xây dựng vận hành hai trung tâm trên.

241120230934-nguyễn-thị-mai-thoa.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu

Cần tiếp tục rà soát để tránh trùng lặp giữa các nội dung của Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng là kiến nghị của đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Theo bà Mai Thoa, việc tách riêng Luật Đường bộ để tập trung quy định các vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ là cần thiết và cơ quan soạn thảo đã cố gắng phân định một cách hợp lý nhất các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn một số quy định đang được quy định đồng thời ở hai luật, gây bất tiện cho người dân trong quá trình áp dụng, thực thi luật. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo quy định không bỏ sót, nhưng cũng không trùng lặp, dễ áp dụng.

Phân tích cụ thể hơn, Đại biểu Nguyễn Hải Dũng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho hay có rất nhiều vấn đề cần phải phân định và cân nhắc để quyết định quy định ở một luật hay cả 2 luật. Ví dụ như vấn đề về xe đưa đón học sinh, một người là lái xe, một người là quản lý học sinh. Tại dự thảo Luật Đường bộ đang quy định lái xe cần phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm vận tải hành khách, tuy nhiên tại dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ thì chỉ có quy định đối với người quản lý. Đại biểu cho rằng, với hai luật chồng chéo hay thiếu thống nhất sẽ dẫn đến việc triển khai trong thực tiễn rất phiền phức, khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát đối với các nội dung như trên có thể dồn vào quy định tại một luật.

Không chỉ chồng chéo với dự thảo Luật Trật tự An toàn giao thông đường bộ, Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng dự thảo Luật Đường bộ còn trùng với Luật Đất đai. Cụ thể, đại biểu dẫn chứng Điều 50 về đầu tư xây dựng phát triển đường cao tốc, tại khoản 7 có nêu về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đây là nội dung quy định rất cụ thể trong Luật Đất đai nên không cần quy định lại trong luật này.

Theo Vietnam+