Vì sao Triều Tiên quyết tâm phóng vệ tinh trinh sát quân sự?
Giới quan sát cho rằng việc Bình Nhưỡng phóng vệ tinh trinh sát quân sự thành công sẽ phần nào giải tỏa được những ngờ vực của Triều Tiên với thế giới.
Cuộc chạy đua vệ tinh Hàn - Triều
Theo tạp chí Economist, hai quốc gia đối lập gay gắt ở bán đảo Triều Tiên lại có một điểm chung, đó là tham vọng đạt được các thành tựu to lớn liên quan đến vệ tinh.
Sau hai lần phóng thất bại, cuối cùng Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên tối 21/11. Như vậy, Triều Tiên coi như đã dẫn trước Hàn Quốc một bước, bởi giới chức Seoul dự định phóng vệ tinh trinh sát vào ngày 30/11.
Cuộc đua không gian mới này cho thấy sự liên quan đến tình hình ổn định an ninh khu vực bán đảo Triều Tiên. Khi sở hữu các vệ tinh trinh sát quân sự, các nước sẽ ít nhiều cải thiện khả năng phòng thủ lẫn khả năng tấn công của Triều Tiên và Hàn Quốc.
Những thông tin về vệ tinh trinh sát mới của Triều Tiên rất quan trọng đối với hệ thống Chuỗi Tiêu Diệt (Kill Chain). Đây là hệ thống tấn công vệ tinh phủ đầu được Hàn Quốc phát triển để đối phó với các cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
Nếu chiến tranh nổ ra, các vệ tinh trinh sát sẽ giúp cả hai bên xác định được vị trí và dễ dàng tiêu diệt được lực lượng của đối thủ. Trong khi đó, các vệ tinh trinh sát sẽ giúp Bình Nhưỡng nhận được cảnh báo sớm hơn bình thường về đòn tấn công từ phía Hàn Quốc và Mỹ.
Đài Fox News gọi các vệ tinh trinh sát quân sự của Triều Tiên là “mối đe dọa mới nhất” đối với Mỹ và các đồng minh, và cả thế giới cần chuẩn bị tinh thần sẵn sàng bởi Bình Nhưỡng sẽ có thể phóng thêm các vệ tinh trinh sát khác.
Nghi vấn Nga giúp đỡ Triều Tiên
Kể từ sau chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, đã có không ít hoài nghi về việc Nga - Triều đang trao đổi vũ khí và công nghệ với nhau. Tờ Economist nhận xét, hợp tác không gian trong vòng hai năm qua giữa Nga và Triều Tiên đã dần chuyển sang hợp tác ở khía cạnh quân sự.
Cũng theo tạp chí của Anh, chương trình vệ tinh của Triều Tiên về bản chất là một sản phẩm phụ từ chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ mức độ mà cả Nga và Triều Tiên mong đợi từ chương trình này và các chương trình quân sự - vũ trụ dài hạn khác.
Ông Ankit Panda, chuyên gia Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie, nhận định việc Triều Tiên đẩy mạnh phát triển vệ tinh cũng góp phần làm tăng sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Theo đó, nếu Bình Nhưỡng hiểu rõ hơn về các hoạt động quân sự chung của Mỹ và Hàn Quốc (bao gồm cả các cuộc tập trận huấn luyện thường xuyên chung), nước này sẽ giảm nhầm lẫn các hoạt động quân sự “vô thưởng vô phạt” với mối đe dọa tiềm tàng.
Trước đó, tối 21/11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Cơ quan Công nghệ hàng không vũ trụ quốc gia Triều Tiên (NATA) đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là Chollima-1, mang theo vệ tinh trinh sát Malligyong-1.
Theo KCNA, tên lửa đã đưa vệ tinh vào quỹ đạo lúc 22 giờ 54, tức khoảng 7 phút sau khi phóng. Đây cũng là điều mà ở cả hai lần phóng trước Triều Tiên đều không làm được.