Người dựng lại tháp đặt xá lị tổ Huyền Quang
Đăng Minh bảo tháp, nơi đặt xá lị tổ Huyền Quang từng được dựng bằng đất nung dưới thời Trần (thế kỷ XIV). Sau năm tháng đổ nát, tháp được Thiền sư Hải Ấn dựng lại bằng đá vào năm 1719.
Đăng Minh bảo tháp từ thời Trần đến thời Lê
Ngày 23 tháng giêng năm Khai Hựu thứ 6 (1334), sư tổ Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, thọ ngoài 80 tuổi. Vua Trần Minh Tông thương tiếc, đặc phong Trần triều Trúc Lâm thiền sư đệ tam tổ, sắc phong tam giáo trạng nguyên tự tổ Huyền Quang tôn giả. Đồng thời, cúng dường 10 lạng vàng xây tháp cho thiền sư, đệ tử là An Tâm Quốc sư dựng tháp ở sau chùa Côn Sơn, dưới chân núi Kỳ Lân đặt xá lị của Tổ, lấy tên là Đăng Minh bảo tháp.
Theo tài liệu "Tháp Đăng Minh ở Côn Sơn" của Tăng Bá Hoành thì ngôi tháp có tiết diện vuông với kích thước đế là 1m và cao khoảng 2.7m được xây dựng lắp ghép từ những viên gạch và mảnh đất nung với hoa văn tinh xảo. Đế tháp có hoa văn sóng nước (thủy ba), bệ tháp là hình hoa sen dây ít gặp và cánh sen. Mái cong ngói ống có hình trang trí rồng, hoa sen cách điệu trên đầu ngói ống, ở đầu đao mái có hình rồng chầu trong lá đề, rồng 7 khúc uốn mềm, các phù điêu trên cửa… Nghệ thuật tạo hoa văn điêu luyện và bạo dạn, không óng chuốt như thời Lý nhưng khỏe và sinh động phóng khoáng và vẫn giữ được sự hài hòa trong từng lớp và toàn bộ. Dáng ngôi tháp chắc khỏe.
Tuy nhiên, trải qua thời gian tháp đã bị huỷ hoại. Đầu đông năm Kỷ Hợi (1719), Thiền sư Hải Ấn đã “thu thập vật liệu quý, y hình cũ tạo dựng lại kim đàn, bảo tháp, xây dựng lại Đăng Minh bảo tháp … Một sớm khởi công, thần dân xúm lại, thay gạch ngói cổ bằng đá quý đẹp hơn”.
Tháp đá cao 6m gồm phần đế, bệ, thân và chóp. Bệ tháp có cấu tạo hình hoa sen, gần vuông với kích thước 2.7x2.68m. Thân tháp gồm 3 tầng, trong đặt pho tượng Huyền Quang bằng đá ngồi kiết già, tay kết ấn tam muội (hiện pho tượng đã được chuyển về hậu đường chùa Côn Sơn). Đăng Minh Bảo Tháp được xây bằng đá xanh Kính Chủ (mỗi tấm trung bình 1x0,6 m, dày 10-15cm). Tháp mở một cửa hướng nam ở tầng thứ nhất (48x81cm). Phía trên cùng là chóp tháp hình bình Cam Lồ. Tầng giữa khắc nổi bốn chữ Đăng Minh bảo tháp, mặt sau khắc bài minh ca ngợi Huyền Quang và việc Thiền sư Tính Độ (thế danh là Bùi Trù) đã truyền giao cho thiền sư Hải Ấn tiếp nối dòng thiền, rạng soi đèn đạo. Đăng Minh bảo tháp với dáng đậm, chắc, thế vững chãi uy nghi trong không gian bao la giữa đại ngàn Côn Sơn.
Tháng 3/1979, Bảo tàng Hải Dương phát hiện được ngôi tháp đất nung thời Trần, sau đó đã công bố và cho phục dựng lại vào năm 1998.
Thiền sư Hải Ấn – người tổ chức đợt tu tạo lớn thứ 3 ở chùa Côn Sơn
Theo tấm bia Tạo An Lạc tự bi (1727), Thiền sư Hải Ấn họ Nguyễn Văn, nguyên quán ở làng Đông, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ), xuất gia từ nhỏ, được Thiền sư Tính Độ (thế danh Bùi Trù) trao y bát trở thành Trụ trì Côn Sơn Thiên tư phúc tự.
Đến năm 1711, Thiền sư nhận phụng thờ các vị Tổ sư Như Niệm và Tông sư Tính Ấn.
Theo bi ký Khôi tạo trùng tu Phật Tổ Côn Sơn tư phúc tự (1721), thì sau khi trở thành trụ trì chùa, Thiền sư đã có công tổ chức đợt trùng tu lớn thứ ba ở chùa Côn Sơn, từ trùng tu lại Cửu phẩm dao đài khác nào ngọc bích đến gác chuông, thượng điện, thiêu hương, tiền đường, làm mới lại hậu đường nguy nga cùng hai bên tả hữu hành lang, đắp vẽ hơn 300 pháp tướng, làm lại các tượng Giác Hoa, Địa Tạng, Mục Liên, Dược Sư, Như Lai. Đồng thời đắp tượng, thếp vàng các tượng Phật cùng với ba vị Thánh tổ, sắc vàng rực rỡ. Công việc hoàn thành lại chuộc một mảnh ruộng ở xứ Đồng Lỗi.
Đặc biệt, năm 1719, nhân lúc “Hoàng thánh triều tuyên dương công hộ quốc an dân” của tổ Huyền Quang mà ngài đã tổ chức dựng lại Đăng Minh bảo tháp để cho “muôn đời cùng chiêm ngưỡng”.
Xong việc, không quên cố hương, thiền sư “một ngày về quê muốn làm việc thiện” trước cảnh ngôi chùa cổ An Lạc “qua bao năm nền chùa chật chội, muốn đổi thay nhưng không có khả năng”. Vì thế, với sự ủng hộ của Huấn đạo Nguyễn Tá Dong và dân làng, thiền sư đã bỏ của riêng, lên rừng mua gỗ, thay cũ đổi mới chùa An Lạc, trong từ thượng điện, thiêu hương, tiền đường, ngoài từ gác chuông, tường gạch, bậc nền. Kết quả nhìn lâu đài ngời ngợi tinh khôi, nhà cột nguy nga, tượng pháp trang nghiêm, lô hương thơm phức; trồng lại thông xanh, lục trúc vững vàng, y kì gấm vóc trang hoàng, tăng thêm đài hoa diễm lệ. Thật là một hệ thống đẹp tươi. Thiền sư trở thành một trong “An Lạc tam tổ”, viên tịch ngày 20 tháng 8, được đệ tử xây tháp mộ “Côn Sơn bảo tháp” tại chùa An Lạc.